Tin KHCN nước ngoài
Phương pháp mới tạo ra bề mặt chống thấm chất lỏng (10/12/2014)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California, Hoa Kỳ, đã chế tạo được một lớp chống thấm, có thể đẩy chất lỏng bằng cách sử dụng những “chiếc ô” nhỏ để tăng diện tích bề mặt của một cấu trúc.

Trước đây, các bề mặt có được khả năng chống thấm chất lỏng là nhờ vào lớp phủ nhựa như Teflon, nhưng dễ bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Tuy nhiên, phương pháp mới làm cho bề mặt trở nên chắc chắn để ngăn nước lưu lại phía trên.

 

Các nhà khoa học đã khắc lên bề mặt silica các cấu trúc nhỏ, làm cho nó giống như một “cái giường đầy đinh” (bed of nails). Mỗi đầu đinh chỉ dài 20 micro mét, bằng khoảng 1/5 chiều rộng một sợi tóc và giới hạn diện tích bề mặt mà chất lỏng có thể tiếp xúc. Như vậy, khi chất lỏng tiếp xúc với bề mặt, thay vì lan rộng ra, nó vẫn chỉ như một giọt nhỏ. Mỗi đầu đinh cũng được cắt giống hình chiếc ô, ngăn chất lỏng thấm vào những khoảng trống giữa các đinh.

 

Trên bề mặt thiết kế này, chất lỏng lăn xung quanh giống như một quả bóng và trượt sang bên phải khi bề mặt bị nghiêng. Hơn nữa, bề mặt có thể chịu được nhiệt độ cao lên tới 1.0000C. Và vật liệu chống thấm không chỉ nước mà cả các chất lỏng có sức căng bề mặt thấp hơn nhiều như dung môi flo.

 

Bề mặt chống thấm chất lỏng có nhiều ứng dụng từ dùng cho các dụng cụ y tế để máu và các chất lỏng khác không bám dính vào cho đến các mạch điện tử để bảo vệ chúng khỏi hỏng hóc trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng bề mặt mới có thể tồn tại lâu dài trong môi trường ngoài trời như các tòa nhà hoặc xe cộ vì các tính chất chống thấm của bề mặt không bị mất đi do tiếp xúc với ánh sáng cực tím và nhiệt độ khắc nghiệt.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 7289

Về trang trước Về đầu trang