Tạp chí Time bắt đầu trao giải nhân vật của năm từ năm 1927. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tạp chí này đưa hạng mục "Nhân vật nhí của năm" vào danh mục trao giải thường niên của mình. Gitanjali đã vượt qua hơn 5.000 ứng viên ở Mỹ, có độ tuổi từ 8-16, để lọt vào danh sách 5 ứng viên cuối cùng. Cô bé sẽ được vinh danh trong một chương trình truyền hình đặc biệt vào ngày 11/12.
Gitanjali Rao đến từ thành phố Denver, bang Colorado của Mỹ. Gitanjali Rao bắt đầu phát minh từ hồi còn học mẫu giáo. 12 tuổi, cô bé đã có nhiều phát minh như thiết bị in 3D có gắn ống nano carbon và một ứng dụng trên thiết bị di động để kiểm tra nước có bị nhiễm chì hay không chỉ trong 10 giây.
Phát minh này đã mang về cho Gitanjali Rao danh hiệu “Nhà khoa học trẻ tuổi hàng đầu nước Mỹ” cùng số tiền thưởng 25.000 USD vào năm 2017. Thiết bị mang tên Tethys có thể xách tay, dễ sử dụng, cho phép mọi người thử xem nước có an toàn không. Thiết bị có 4 bộ phận và có thể kết nối với điện thoại thông minh. Cô bé 15 tuổi cũng có một ứng dụng cùng tiện ích mở rộng của Chrome sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện hành vi bắt nạt trên mạng.
“Mục tiêu của em đã thật sự thay đổi, không chỉ từ chuyện tạo ra các thiết bị của riêng mình để giải quyết những vấn đề của thế giới, mà còn là việc truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự. Theo kinh nghiệm cá nhân của em, khác biệt với những người xung quanh khiến mọi chuyện trở nên không dễ dàng. Vì vậy, em thực sự muốn gửi gắm thông điệp đến mọi người: Nếu em làm được, mọi người cũng làm được, bất kỳ ai cũng làm được”, Gitanjali nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng về danh hiệu mà Gitanjali Rao nhận được, nhà hoạt động nhân đạo Angelina Jolie cho biết: "Gitanjali trông không giống một nhà khoa học điển hình trong mắt mọi người. Em hay thấy trên tivi, nhà khoa học thường là những người đàn ông lớn tuổi, thường là người da trắng. Cô bé còn cho biết có nhiều vấn đề trong xã hội đang cần được giải quyết".
Được biết, trong suốt 10 năm qua, nhiều gương mặt chính trị tiếng tăm cũng đã trở thành “Nhân vật của năm”, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump (2016), Thủ tướng Đức Angela Merkel (2015), Tổng thống Mỹ Obama (2012, 2008), Tổng thống Nga Putin (2007), nhưng đây là lần đầu tiên Time vinh danh “Nhân vật nhí của năm”. Năm ngoái, Greta Thunberg, nữ sinh Thụy Điển, người đã truyền cảm hứng cho phong trào toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đã trở thành người trẻ nhất từng được tạp chí bình chọn khi ở tuổi 16.