Tin KHCN nước ngoài
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để tầm soát suy giảm trí nhớ, theo dõi chứng trầm cảm (04/11/2020)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian gần đây, lần lượt hai quốc gia là Mỹ và Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tầm soát suy giảm trí nhớ, theo dõi chứng trầm cảm.

Công ty viễn thông Hàn Quốc (SK Telecom) và Khoa Y trường Đại học Quốc gia Seoul vừa phát triển thành công chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tầm soát suy giảm trí nhớ bằng giọng nói và bắt đầu tiến hành thử nghiệm thực tế.

Các nhà khoa học cho biết, giọng nói của con người được tạo ra bởi dây thanh âm trong hộp thanh quản. Giọng nói của người mắc chứng suy giảm trí nhớ có đặc điểm khác so với người bình thường. Do đó, thông qua giọng nói, AI sẽ phân tích điểm khác biệt và đưa ra chẩn đoán người đó có mắc chứng suy giảm trí nhớ hay không. SK Telecom cho biết công nghệ này giúp giảm chi phí chẩn đoán bệnh do có thể tiến hành tầm soát "không tiếp xúc”.

Hàn Quốc vừa phát triển thành công chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tầm soát suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, chương trình cũng được phát triển dưới dạng ứng dụng di động để người dùng có thể sử dụng dễ dàng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Bắt đầu từ tháng 11 này, SK Telecom cùng với nhóm nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học lâm sàng thuộc khoa Y của Đại học Quốc gia Seoul lên kế hoạch kiểm chứng chương trình nói trên tại các bệnh viện và trung tâm dành cho người mắc chứng suy giảm trí nhớ. Kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được sử dụng để cải thiện và nâng cao độ chính xác của chương trình trong quá trình chẩn đoán.

Được biết, SK Telecom cũng có kế hoạch bổ sung đặc điểm của người mắc chứng giảm trí nhớ (như đặc trưng ngôn ngữ, nhận diện khuôn mặt, nhịp tim, huyết áp...) nhằm hoàn thiện chương trình ứng dụng AI tầm soát suy giảm trí nhớ và dự kiến sẽ cho ra mắt trong năm 2021.

Sa sút trí tuệ bao gồm cả bệnh Alzheimer là một rối loạn tiến triển khiến các tế bào não bị thoái hóa và chết đi. Các triệu chứng phổ biến là suy giảm liên tục khả năng suy nghĩ, mất trí nhớ và gián đoạn khả năng hoạt động của con người.

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, có khoảng 750.000 bệnh nhân sa sút trí tuệ ở Hàn Quốc vào năm 2018 và số bệnh nhân dự kiến sẽ đạt khoảng 3,3 triệu vào năm 2060. Dữ liệu từ Statistics Korea, một dịch vụ thông tin thống kê do nhà nước điều hành, cho thấy: Hàn Quốc sẽ trở thành xã hội già nhất thế giới vào năm 2067.

Không chỉ Hàn Quốc, phòng thí nghiệm X của Google được cho là đang nghiên cứu công nghệ theo dõi chứng trầm cảm của người dân Mỹ. Theo thống kê, gần 50% người Mỹ đang sống với tình trạng có vấn đề về tâm lý mà không có bất kỳ hình thức điều trị nào do chi phí cao. Các công ty công nghệ đã nhận ra điều này và cung cấp nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có Google.

Một nguyên mẫu từ dự án Amber của Google.

Dự án về sức khỏe tâm lý của Google X có tên là Amber. Ý tưởng của dự án là sử dụng điện não đồ (EEG) nhằm theo dõi các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Thông qua dự án Amber, công ty đã phát triển một thiết bị theo dõi hoạt động của não có hình dạng giống như chiếc mũ bơi và một số máy móc hỗ trợ việc phân tích dữ liệu.

Sử dụng điện não đồ để theo dõi hoạt động của não không phải là ý tưởng mới. Nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới cũng đã sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, Felten - người đứng đầu phòng thí nghiệm X của Google cho biết công nghệ của hãng có thể giúp việc thu thập và phân tích dữ liệu từ não một cách dễ dàng hơn.

Theo Google, Amber có khả năng theo dõi liên tục trạng thái tâm lý của người bệnh, thậm chí là dự đoán các triệu chứng trầm cảm trong tương lai. Hiện tại, thiết bị của Google mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Google cho biết hãng sẽ sớm phát hành một báo cáo với nhiều kết quả nghiên cứu hơn.

Nguồn: VietQ.vn

Số lượt đọc: 2446

Về trang trước Về đầu trang