Tin KHCN trong nước
Liên kết, lan tỏa phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (01/11/2020)
-   +   A-   A+   In  
Chương trình 2075 đã tác động tích cực tới phát triển thị trường KH&CN, với việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075) sau 5 năm triển khai đã tác động tích cực tới phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), với việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KH&CN.

Dấu ấn nổi bật

Chiều 31/10, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020” nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của Chương trình và đề xuất giải pháp phát triển KH&CN cho giai đoạn tới 2021-2030.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu, trường Đại học, Hiệp hội, Hợp tác xã và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Chương trình 2075 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 với các mục tiêu chính: Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường; Tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo: hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan để hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo bám sát chặt chẽ theo các mục tiêu chính: Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường; Tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo: hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình 2075 đã đạt được một số thành quả nhất định để bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm về như: Hỗ trợ thúc đẩy cung - cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thị trường công nghệ trong và ngoài nước; Hình thành và phát triển các tổ chức trung gian để thúc đẩy các hoạt động dịch vụ KH&CN; Xây dựng hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường KH&CN …
Đặc biệt kết quả nghiên cứu khoa học về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng của thị trường khoa học và công nghệ đã được thể chế hóa theo nội dung được bổ sung của Luật chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018. Theo đó, một số điểm mới trong luật được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian, qua đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường khoa học và công nghệ.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được Chương trình 2075 hỗ trợ thành công một số dự án thương mại hóa công nghệ như sản phẩm hạt gốm xốp kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; công nghệ sản xuất bầu ươm cây theo phương pháp gieo hạt và giâm cành phục vụ sản xuất cây giống quy mô hàng hóa… Kết quả của những dự án trên góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, cách làm trong chuyển giao công nghệ và thương mại hóa công nghệ của các nhà khoa học của Học viện. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực của bộ phận quản lý khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng hoàn chỉnh các mô hình thương mại hóa công nghệ, hoàn thiện các quy định về quản lý sử dụng tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa công nghệ.

“Đặc biệt hơn, Chương trình 2075 đã hỗ trợ Học viện hình thành được một số tổ chức trung gian là Trung tâm đổi mới sáng tạo Nông nghiệp. Đây cũng là một trong những tổ chức trung gian đầu tiên được hình thành trong trường đại học, là mô hình điểm về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp”, GS.TS. Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 2075 đến năm 2020, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN, mang lại những tác động về mặt KH&CN, kinh tế – xã hội và tính liên kết lan tỏa cao.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (PTTTDN) của Bộ KH&CN – đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình – đã chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường KH&CN; Thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN; Thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ. Chương trình đã phê duyệt được 65 nhiệm vụ trên tổng số hơn 500 đề xuất đăng ký. Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ của chương trình 2075, các dự án được hỗ trợ đã thu hút được hơn 70% từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước của tổng số tiền hỗ trợ thương mại hóa.

Chương trình đã có sự thu hút đầu tư góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp để phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN, đặc biệt là nhóm dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Điều này phần nào thấy được hiệu quả đầu tư trong việc thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học với doanh nghiệp, để phát triển thị trường KH&CN.

Các dự án nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã có nhiều kết quả nổi bật: Mô hình định giá công nghệ ATWOM phục vụ các đơn vị có nhu cầu định giá công nghệ để chuyển giao công nghệ, cấp bản quyền, sát nhập, mua bán, tách hoặc liên doanh. Các nhiệm vụ đề xuất chính sách và công cụ tài chính phát triển thị trường KH&CN góp phần điều tiết hiệu quả và thúc đẩy quá trình hình thành các sản phầm KH&CN, thúc đẩy gia tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường.

Việc đưa ra giải pháp nâng cao năng lực đổi mới, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ trong trường đại học đã giúp hình thành phương pháp đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ quá trình thương mại hóa và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam.
Nguồn cung công nghệ để được hỗ trợ thương mại hóa đang dần dịch chuyển qua các sản phẩm, công nghệ được chuyển giao về từ nước ngoài, đồng thời, chương trình ưu tiên hỗ trợ các công nghệ hoàn thiện trong nước có thể được tiếp cận, chuyển giao ra nước ngoài. Các sản phẩm tiêu biểu như Máy gieo hạt Phạm Văn Hát hay phân bón Ong Biển đang được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới…

Đặc biệt, từ nhiệm vụ “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp” đã bước đầu hình thành được mô hình tổ chức trung gian trong trường đại học, qua đó, có thể làm hình mẫu nhân rộng thúc đẩy giao dịch công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Chương trình đã hỗ trợ dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, để tạo lập cơ sở dữ liệu đầy đủ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu kèm theo thông tin xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, khai thác, quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN.

Để thúc đẩy hoạt động giao dịch của các Sàn giao dịch công nghệ, Dự án “Xây dựng hệ thống liên kết các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến vùng duyên hải Bắc bộ nhằm thúc đẩy thị trường công nghệ tại Việt Nam” đã được phê duyệt, nhằm kết nối 5 sàn giao dịch công nghệ trong vùng duyên hải Bắc bộ, tạo tiền đề kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực miền Trung và miền Nam. Dự án đã góp phần phát triển thị trường KH&CN bằng cách ứng dụng CNTT trong việc kết nối mua bán công nghệ, đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu trên Sàn giao dịch công nghệ.

Các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được nhiều tổ chức hưởng ứng. Bởi hiện nay các kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và đang cần một bước hỗ trợ chuyển tiếp sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp, đánh giá thị trường, hợp chuẩn hợp quy… để thương mại hóa phát triển thị trường Việt Nam.

Các sản phẩm KH&CN hỗ trợ nhóm này 100% được đăng ký Sở hữu trí tuệ, đủ tiêu chuẩn thương mại trên thị trường. Hầu hết các dự án được triển khai tại khắp các địa phương trên cả nước, góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Sản phẩm được quảng bá rộng rãi có tác động là cầu nối quảng bá xúc tiến phát triển thị trường, tạo ra các mối liên kết chặt chẽ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận hiệu quả công nghệ từ viện nghiên cứu/trường đại học trong ngành chế biến thực phẩm; tạo điều kiện huy động các nguồn đầu tư, mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài.

Các dự án xúc tiến và kết nối cung cầu phát triển thị trường KH&CN cũng đạt kết quả tốt với việc tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, giai đoạn 2012-2019, đã có hơn 3000 hợp đồng và biên bản được ký kết. Bên cạnh đó, các sự kiện như ICTcomm và GrowTech được tổ chức bởi nguồn xã hội hóa lên tới hơn 90%. Kết quả đạt được từ các sự kiện vẫn đạt 100% các mục tiêu hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chính sách, kết nối các nguồn cung, cầu trong và noài nước, đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ định hướng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Với những kết quả đạt được, Chương trình 2075 đã tác động tích cực tới phát triển thị trường KH&CN, với việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KH&CN.

 

Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận với chủ đề: “Định hướng và giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030”. 

Tiếp tục tạo sức bật phát triển thị trường KH&CN

Tại Hội thảo, chia sẻ về định hướng phát triển của Chương trình 2075 trong giai đoạn tới, ông Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Chương trình cho biết: Mục tiêu của chương trình là tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao vai trò của nhà nước và các chủ thể của thị trường KH&CN.

Trong thời gian tới, Chương trình sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; Thúc đẩy phát triển nhu cầu về hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.

Phiên Tọa đàm với chủ đề “Định hướng và giải pháp phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020” đã diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo với sự tham gia của: Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; chuyên gia Tạ Doãn Trịnh, ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Trần Phương Thảo – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Các diễn giả đã chia sẻ, thảo luận cởi mở về những vấn đề trong việc phát triển thị trường KH&CN cho giai đoạn 2021-2030 với các nội dung: Kinh nghiệm thương mại hóa công nghệ cũng như mô hình spin off tại các Viện, Trường; thực trạng hoạt động của các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH&CN hiện nay; vai trò của Nhà nước trong việc phát triển thị trường KH&CN.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm thể hiện mong muốn việc định hướng và giải pháp phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2020-2030 được triển khai thực hiện để hỗ trợ với kỳ vọng gắn kết các nhà hoạch định chính sách, tổ chức chính trị xã hội, hệ thống Hiệp hội, các Tập đoàn, cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó đưa ra mô hình chuỗi liên kết hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa sản phẩm KH&CN gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn: VietQ.vn

Số lượt đọc: 3378

Về trang trước Về đầu trang