Tin KHCN trong tỉnh
Bài toán về gia tăng giá trị thủy sản (08/11/2020)
-   +   A-   A+   In  
Tiềm năng của ngành khai thác thủy sản vẫn còn rất lớn nhưng chưa phát huy giá trị trong chế biến và xuất khẩu, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này. Đây cũng là nội dung chính của hội nghị “Đổi mới sáng tạo hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành khai thác - chế biến thủy sản” do Sở KH-CN tổ chức ngày 7/11.

KHÂU BẢO QUẢN CÒN HẠN CHẾ

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Ngọc Quỳnh (TP. Vũng Tàu) cho biết, mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh BR-VT luôn đứng ở top đầu cả nước, tuy nhiên chất lượng hải sản sau đánh bắt chưa cao, lượng hải sản đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu chỉ đạt 30-40%. Việc bảo quản cá trên tàu chủ yếu là ướp đá, không đạt chất lượng và giảm độ tươi nên không đủ tiêu chuẩn để DN thu mua. Chưa kể, việc kiểm soát ATVSTP đối với nước đá hầu như đang bị bỏ ngỏ. Chính vì sự lạc hậu trong bảo quản sản phẩm đánh bắt, nên tổn thất sau thu hoạch cao, bình quân khoảng 30-40%.

Trong khi đó, ở khâu chế biến, sản phẩm vẫn chủ yếu dưới dạng thô. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu phát triển, đổi mới sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức. Hiện nay, các cơ sở chế biến thủy sản chủ yếu vẫn đang sử dụng phương pháp phơi nắng. Chỉ có một số ít cơ sở trang bị máy sấy nhưng lạc hậu và không thường xuyên vận hành. Chế biến surimi chủ yếu dừng lại ở việc sản xuất surimi thô dưới dạng bán thành phẩm sau đó xuất khẩu. Tỷ trọng các sản phẩm mô phỏng có giá trị tăng cao còn thấp, nên giá trị xuất khẩu chưa cao. 

Ông Ngô Viết Hoài, Giám đốc Công ty CP Baseafood II nhận định, điểm yếu nhất của ngành thủy sản hiện nay chính là vấn đề nguyên liệu đầu vào. Do nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, bảo quản kém, nên dù là DN đóng chân ở một tỉnh có thế mạnh về hải sản nhưng vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước.

Còn theo ông Đoàn Văn Phụ, Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh BR-VT, nguyên Phân viện Phó Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, Cục kiểm ngư Việt Nam, mỗi năm, BR-VT khai thác hơn 300.000 tấn thủy sản, nhưng thủy sản bảo đảm chất lượng để chế biến chỉ chiếm khoảng 60%. Sau khi loại trừ, tổng số nguyên liệu mà các nhà máy chế biến sử dụng được chỉ vào khoảng 60.000 tấn. Đây là con số rất ít nếu tính trên tổng số sản lượng thủy sản khai thác được.

Mặc dù BR-VT có sản lượng khai thác hải sản lớn nhưng các DN chế biến thủy sản vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. 
Mặc dù BR-VT có sản lượng khai thác hải sản lớn nhưng các DN chế biến thủy sản vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. 

CẦN TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KH-CN

Theo ông Đoàn Văn Phụ, để giải quyết tình trạng khan hiếm nguyên liệu hải sản, DN cần phối hợp với ngư dân tham gia vào chuỗi sản xuất để bảo đảm chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết sản xuất trên biển, mô hình khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội, các nghiệp đoàn để phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm.

Trong khi đó, đứng từ góc độ DN thu mua sản phẩm, ông Ngô Viết Hoài cho rằng, để phát triển bền vững ngành khai thác - chế biến hải sản điều tất yếu là phải ứng dụng KH-CN. Việc đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng bù lại lợi ích lâu dài.

Được biết, những năm gần đây, tỉnh BR-VT định hướng phát triển ngành thủy sản hoạt động theo chuỗi khép kín từ khai thác đến chế biến xuất khẩu. Ông Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt cho rằng, để thực hiện điều đó cần có sự vào cuộc của 4 nhà (ngư dân, nhà ứng dụng KH-CN, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ) để giúp tìm ra giải pháp, tìm ra công nghệ và giúp ngư dân, DN ứng dụng vào sản xuất, chế biến. Nhưng tựu trung lại, giải pháp nào thì cũng cần hướng tới việc ứng dụng KH-CN trong bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, giảm tổn thất sau khai thác. Còn các DN chế biến thủy sản phải nâng cao năng lực chế biến theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm dần chế biến thô, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng ít nguyên liệu thủy sản, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4159

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài “Xác định nguyên nhân gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đề xuất các biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc có trong sản phẩm hạt tiêu được sản xuất tại tỉnh BR-VT đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU)” (10/08/2017)
  • Buổi nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Khoa học và Công nghệ với HS-SV và trí thức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/08/2017)
  • Hội đồng nghiệm thu đề án "Quản lý và sử dụng trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (04/08/2017)
  • Nghị quyết 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (03/08/2017)
  • Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện dự án Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo (03/08/2017)
  • Lễ trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho công ty TNHH SX-TM Đại Nam (03/08/2017)
  • Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh BR-VT (02/08/2017)
  • Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (02/08/2017)
  • Nghiệm thu đề án của các doanh nghiệp tham gia Chương KH&CN Hỗ trợ doanh nghiệp đợt 1 năm 2017 (02/08/2017)
  • Xét duyệt đề án của Chương KH&CN Hỗ trợ doanh nghiệp đợt 5 năm 2017 (13/07/2017)