Tin KHCN trong nước
Phát triển khoa học công nghệ: Hướng đi thông minh giúp nâng cao năng suất (18/09/2020)
-   +   A-   A+   In  

Để phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, các chuyên gia nhận định cần có những giải pháp thiết thực, trong đó đặc biệt chú trọng việc đầu tư phát triển khoa học – kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh

Theo nhận định từ giới chuyên gia, nhìn tổng thể những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự có những bước phát triển rõ rệt. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế.

Phát triển khoa học công nghệ là hướng đi thông minh giúp nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năng suất lao động thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước khác vẫn tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế. Từ trước đến nay, máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Thông tin từ Bộ Công thương, ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia trên cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam gồm điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô...

Vì vậy, để phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, các chuyên gia nhận định cần có những giải pháp thiết thực. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển khoa học – kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, khoa học công nghệ dự đoán sẽ phát triển như vũ bão, do đó, để kịp thời thích nghi với bối cảnh mới đòi hỏi mức độ quan tâm, đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ phải tương xứng. Mặc dù tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho khoa học công nghệ còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP.

Bên cạnh đó, đầu tư cho cán bộ, người lao động được học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ; Có chính sách khuyến khích các công trình nghiên cứu, các sản phẩm có tính ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài…

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3602

Về trang trước Về đầu trang