Tin KHCN trong nước
Công nghệ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao (21/07/2020)
-   +   A-   A+   In  
Từ lâu, nấm được sử dụng như một loài thuốc quý để chữa trị nhiều loại bệnh, nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát triển những loài nấm cho năng suất cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao?



Người trồng nấm cần tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật

Theo khuyến cáo của các chuyên gia về nấm ăn và nấm dược liệu, người trồng nấm cần tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật từ việc chọn giống nấm chất lượng cho đến các khâu trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm.

Bảo tồn nấm dược liệu

Ngành sản xuất nấm ăn đã có lịch sử cả ngàn năm nay. Ngoài nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thì nấm dược liệu cho chúng ta những dược chất tinh túy có tác dụng phòng và chữa bệnh. 

Với sự khác biệt về hình thái, cấu trúc di truyền, hấp thụ và tổng hợp dưỡng chất sinh trưởng, phát triển và sinh sản so với động thực  vật nói chung nên Nấm được phân loại vào một nhóm riêng biệt. Giới nấm có rất nhiều loài và chủng loại, đa dạng về hình dáng và màu sắc khác nhau và sống ở khắp nơi. Tuy nhiên đến nay con người cũng chỉ biết được một số ít loại nấm có thể ăn được và có hoạt chất dược liệu chữa bệnh của nó.

Theo Thạc sĩ Lương Duy Long, Bác sĩ chuyên ngành ung thư, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, rừng vàng, biển bạc, với các loài dược liệu phong phú không riêng gì nấm. Tuy nhiên, do Việt Nam phát triển dân số quá nhanh và quản lý môi trường chưa tốt, tình trạng tàn phá và khai thác rừng diễn ra nghiêm trọng, kiệt quệ. Hiện nay có nhiều trung tâm nghiên cứu trong đó có Học viện nông nghiệp Việt Nam đi một hướng đi mới tập trung vào khôi phục những giống thảo dược quý đồng thời phát triển nhân rộng kết hợp với nhà khoa học để đánh giá thêm về hiệu quả của các dược chất trong thảo dược. Chúng tôi hi vọng tương lai chúng ta ngày càng bảo tồn được giống dược liệu và phát triển được nó ngày càng rộng rãi hơn.

Làm thế nào để bào chế mà vẫn giữ nguyên được dược tính của nấm thảo dược, theo bác sĩ Long bước tiếp theo chính là chiết xuất để làm sao khi chúng ta cần lấy hoạt chất gì trong dược liệu này ra thì chúng ta lấy được hàm lượng cao nhất theo tiêu chuẩn chung và càng cao càng tốt. Thứ hai là công nghệ chiết xuất phải lấy ra được các hoạt chất. Thứ ba là sau khi lấy được các loại dược chất đó ra thì phối hợp các loại dược chất đó với nhau để làm sao có hiệu quả nhất trong từng bệnh lý một. 

Nhận định về nấm thảo dược tại Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn, Trung tâm đào tạo nghiên cứu và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, có thể nói nguồn nấm dược liệu ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú chia làm các nhóm. Ví dụ như nấm linh chi chia ra làm nấm hồng chi, hắc chi, hoàng chi, và một số loại nấm linh chi khác. Vấn đề thứ hai, liên quan đến câu chuyện bảo vệ môi trường, chúng ta thấy một điều rằng nếu chúng ta không có công nghệ nuôi trồng nấm thì có thể nói hàng triệu tấn bã phế loại từ rơm rạ, từ lõi ngô, từ mùn cưa, trước kia chúng ta chủ yếu đốt bỏ. Khi chúng ta có công nghệ nuôi trồng nấm thì việc giải quyết đầu tiên là chúng ta tạo ra được những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đặc biệt sau khi trồng nấm sau chúng ta hoàn toàn sử dụng bã nấm đó thành dạng phân hữu cơ tái sử dụng lại để trồng các loại rau sạch. 

Nấm linh chi là loại nấm dược liệu quý có nhiều công dụng và tốt cho sức khỏe. Hiện nay có đa dạng chủng, mỗi chủng nấm linh chi có hoạt chất dược liệu khác nhau. 

Đươc biết, trong thời gian qua đã có hàng trăm học viên được đào tạo nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trung tâm và đã thành công khi phát triển sản xuất nấm tại địa phương.

Hiệu quả kinh tế từ chuyển giao khoa học kỹ thuật

Anh Nguyễn Quý Vũ, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội chủ nhân của trang trại đã vào nghề trồng nấm dược liệu được 4 năm. Trải qua nhiều thất bại, có những lúc tưởng như phải dừng lại nhưng vì lòng đam mê với nghề mà anh đã kiên trì, cố gắng vượt qua và thành công. Hiện tại, ở trang trại này anh Vũ chủ yếu trồng nấm dược liệu với ba loại chính là linh chi, đầu khỉ, và nấm Vân Chi, trong đó nấm linh chi GA2 chiếm số lượng lớn. 

Từ hơn 3 năm nay nấm dược liệu được trồng tại trang trại của anh Vũ luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sản lượng nấm làm ra hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Theo anh Vũ có được thành công như vậy ngoài kinh nghiệm thực tế còn là do anh chọn được giống nấm chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện nuôi trồng. Đặc biệt là anh nhận được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm của các chuyên gia về nấm ăn, nấm dược liệu ở Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Anh Nguyễn Quý Vũ cho biết, nuôi trồng nấm linh chi ở khí hậu miền Bắc phù hợp với sự phát triển, thị trường nấm linh chi rất rộng bởi chúng tôi những người trồng nấm ở Việt Nam đang chỉ thỏa mãn từ 1 đến 2% nhu cầu của những người sử dụng nấm linh chi, đặc biệt là những người sử dụng nấm linh chi Việt Nam. 

Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở trồng nấm tại địa phương trong cả nước cũng đang phát triển, nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ Trung tâm đào tạo nghiên cứu và phát triển nấm thuộc Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đào tạo bậc đại học nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ sinh học nấm ăn và nấm dược liệu phục vụ Chương trình nấm quốc gia, các nhà khoa học của Trung tâm luôn chú trọng việc nghiên cứu, chọn tạo và phát triển công nghệ nhân giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến các nguồn gen nấm mới để đưa vào sản xuất. Tại đây nhiều giống nấm mới đã được các nhà khoa học tuyển chọn và đánh giá trên diện hẹp, triển khai trên diện rộng tại các địa phương, và đã cho kết quả tốt. Đặc biệt, với một số nấm dược liệu quý như nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đầu khỉ. 
 



Thời gian qua tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có hàng trăm học viên được đào tạo nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Trưởng Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, khoa triển khai nhiều loại hình vừa nghiên cứu, vừa nuôi trồng và đào tạo, trong đó có hai chuyên ngành sâu quan trọng nhất. Thứ nhất là đào tạo nhân lực ngành công nghệ sinh học nấm ăn và nấm dược liệu. Thứ hai là nghiên cứu về nấm ăn và nấm dược liệu. Học viện thu thập các nguồn gen và phát triển các nguồn gen mới để đưa vào sản xuất. Trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu về nấm đã phát triển giống nấm có triển vọng có tên là GA2. Qua khảo nghiệm đánh giá giống GA2 tốt và đã chuyển giao tại nhiều khu vực sinh thái, thấy giống GA2 thích ứng tốt có thể phát triển diện rộng để đưa vào sản xuất. 

Giống nấm linh chi GA2 là giống nấm được Khoa công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển chọn và đánh giá từ năm 2015. Theo các nhà khoa học giống nấm này có nhiều ưu điểm vượt trội, thích nghi với nhiều điều kiện nuôi trồng khác nhau. Hiện nay nấm linh chi GA2 đã được đưa ra sản xuất tại nhiều địa phương trong cả nước. 

TS. Nguyễn Thị Bích Thùy, chuyên gia về nấm ăn và nấm dược liệu, Khoa công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nói đến nấm linh chi điều đầu tiên người ta quan tâm là hàm lượng dược liệu có ở trong nấm. Quả thể nấm linh chi GA2 đã được gửi phân tích tại Viện Dược liệu thì kết quả cho thấy hàm lượng hoạt chất rất cao. Ngoài chất lượng cao thì năng suất của nấm linh chi GA2 rất cao. 

Hiện nay giống nấm linh chi GA2 đã được triển khai nuôi trồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Giống nấm GA2 thích nghi với nhiều điều kiện nuôi trồng khác nhau. Tuy nhiên để có được kết quả cao trong quá trình nuôi trồng theo các nhà khoa học bà con nông dân cần nắm bắt một số đặc điểm của giống nấm để hạn chế những rủi ro không cần thiết. Nấm linh chi GA2 phù hợp với dải nhiệt độ từ 20-32 độ C. Trong khi đó nấm linh chi thông thường chỉ thích nghi với nhiệt độ từ 22-28 độ C. Nấm linh chi GA2 có sinh lực khỏe, sức đề kháng tốt, hạn chế nhiễm bệnh, năng suất trung bình đạt từ 25-35kg khô/1 tấn nguyên liệu tăng từ 15-20% so với các giống nấm khác cùng loại. Nấm linh chi GA2 có thể trồng trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau như mùn cưa cao su, bồ đề, keo, bã mía, lõi ngô, gỗ khúc… Thời gian thu hoạch nấm ngắn, sau khi trồng từ 60-65 ngày là có thể thu hoạch được lứa 1. Giống nấm linh chi GA2 được đánh giá là giống nấm có chất lượng tốt, có các hoạt tính dược liệu cao. 

Như vậy, người trồng nấm cần tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật từ việc chọn giống nấm chất lượng cho đến các khâu trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm. Với nhiều trang trại, hiện nay giống nấm linh chi GA2 đang là giống nấm cho năng suất cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 4283

Về trang trước Về đầu trang