Tin KHCN trong nước
Doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sớm nhất có thể (17/07/2020)
-   +   A-   A+   In  

Việc đăng ký sở hữu trí tuệ đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ, dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư hay thuận tiện trong việc góp vốn bằng sở hữu trí tuệ.

Nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ còn hạn chế

Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo là rõ ràng. Chỉ một vài thập kỷ trước, phần lớn tài sản của các doanh nghiệp của Mỹ là hữu hình. Các tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ chiếm ~ 20% tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình và hữu hình của doanh nghiệp về cơ bản đã bị đảo ngược; giá trị thị trường của S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch) là ~ 80% tài sản vô hình và đến năm 2015, con số này là 87%.

Ở Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực trạng chung đó là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Đôi khi điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp này thường không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ.

Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thực tế cũng cho thấy, chỉ có một số ít trường Đại học có quan tâm về sở hữu trí tuệ đã đưa một số môn về sở hữu trí tuệ, một số chủ đề về sở hữu trí tuệ vào trong quá trình đào tạo. Nhưng để nhận thức rõ ràng, chính xác và hiểu sâu về quyền sở hữu trí tuệ, có thể khai thác và ứng dụng được những quyền đó, xa hơn nữa là có ý thức sáng tạo ra các tài sản trí tuệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác lại chưa được đầu tư đúng mức. Khởi nghiệp tốt hơn nhiều nếu bạn trẻ chú trọng đến sở hữu trí tuệ vì đây là công cụ rất tích cực trong việc tạo ra giải pháp mới, áp dụng những ý tưởng chưa có ở Việt Nam…bảo hộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN), phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp lại thiếu kiến thức về nhận diện và đánh giá các tài sản trí tuệ, trong khi đây là khâu vô cùng quan trọng, quyết định tiềm lực về tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp.

Khảo sát mới đây của Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN thuộc Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) cho thấy, có đến 87% các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được khảo sát tại TP.HCM và khu vực Tây Nam bộ quan tâm đến việc đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như doanh nghiệp Việt còn rất mơ hồ về sở hữu trí tuệ, văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp, có rất nhiều doanh nghiệp thậm chí không nắm rõ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành.

Giải pháp nào?

Một số chuyên gia cho rằng, để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong bố cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với quốc tế, chúng ta cần tiếp tục triển khai các chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Một trong những việc cần làm ngay là phải cải cách, sửa đổi cơ cấu hệ thống pháp luật để thi hành các cam kết như sửa quy định về nhãn hiệu để bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống, quy định về sáng chế liên quan đến cơ chế đền bù nếu việc xử lý đơn xin cấp phép lưu hành sáng chế đó bị chậm trễ bất hợp lý, các quy định liên quan đến chế tài, hình phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Về mặt giải pháp lâu dài, ông Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho rằng, nên coi đào tạo sở hữu trí tuệ trong trường đại học là một môn bắt buộc, đặc biệt ở các trường kỹ thuật. Bởi nếu được đào tạo từ trong nhà trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường mới có đủ kiến thức về sở hữu trí tuệ để lập nghiệp". Cũng theo ông Quyền, do chưa được đào tạo bài bản từ trường đại học, trước mắt các doanh nghiệp cần được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM thì lưu ý các doanh nghiệp cần tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ để định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư… Do pháp luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ đối với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên các doanh nghiệp cần "tránh bộc lộ các ý tưởng, giải pháp công nghệ, cách thức kinh doanh và có những biện pháp bảo mật phù hợp với từng giai đoạn của quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kể cả những biện pháp bảo mật trong nội bộ nhóm cá nhân khởi nghiệp”..

Chia sẻ kinh nghiệm trong bảo hộ và khai thác các tải sản trí tuệ, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Elink Gate cho rằng, việc đăng ký sở hữu trí tuệ đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ, dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư hay thuận tiện trong việc góp vốn bằng sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sớm nhất có thể. Ông Hoàng cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ và kết nối các đối tác sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực công nghệ.

Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là đối với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hành động để thúc đẩy hoạt động này. Trong đó, không thể không kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg ngày 22/8/2019 với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng trong Chiến lược này, Chính phủ đặt kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5080

Về trang trước Về đầu trang