Tin KHCN trong nước
Nuôi tảo trong ống xả xe máy để 'giải cứu' môi trường (11/07/2020)
-   +   A-   A+   In  

Không chỉ giữ đến 70% CO2 phát ra, sản phẩm còn giúp pô xe máy không bị ngập nước và trở thành món đồ trang trí đẹp mắt.

“Màng lọc tảo hấp thu khí CO2 từ pô xe máy” là một trong những dự án ra đời trước vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Dự án do nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM thực hiện, không chỉ giảm được một lượng lớn khí CO2, mang tính thẩm mỹ cao, mà còn ngăn không cho nước vào bên trong pô xe khi bị ngập nước.

Ứng dụng lọc, giảm CO2 của tảo

Dự án có tên gọi BITBO được thực hiện bởi Trần Gia Linh, Nguyễn Được Ngọc Trân, Phạm Đỗ Thanh Hải và Phan Tiến Linh, đang nhận được hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên môn thông qua chương trình UPSHIFT mùa 5, do UNICEF Việt Nam phối hợp cùng Sở KH&CN TP.HCM triển khai. 

Trên thế giới, vi tảo lọc không khí đã phát triển rất mạnh trong 5 năm trở lại đây với nhiều công nghệ tiến bộ như giếng carbon ở Pháp, cây nhân tạo ở Mexico hay những thiết bị rất thông dụng như màng vi tảo lọc không khí, đèn chiếu sáng bằng vi tảo. 

Không dừng lại ở ứng dụng thu khí CO2, sinh khối tạo ra từ vi tảo trong các thiết bị lọc khí này đã được thử nghiệm chế tạo dầu nhiên liệu thành công. Tại Hà Lan, các nhà thiết kế đã tạo ra xe máy gỗ chạy bằng dầu tảo. Tại Đức, xuất hiện khu dân cư thử nghiệm những thiết bị sử dụng tảo để phát nhiệt và sinh khối mà không cần bổ sung thêm bất kỳ nguồn điện nào...

Tảo là loài thực vật rất dễ sống và có khả năng quang hợp CO2 cao. Với giải pháp màng lọc từ tảo, dễ sử dụng, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường, Chính phủ có thể giảm chi ngân sách giải quyết hậu quả ô nhiễm phát thải khó.

Nắm được ưu điểm đó, từ tháng 9/2019, nhóm bạn ở Đại học Kinh tế - Luật đã cùng nhau bắt tay vào thực hiện dự án để “giải cứu” môi trường, giúp người dân thoải mái khi ra đường, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Dự án được làm 3 giai đoạn chính: 

Giai đoạn 1: Nuôi tảo ở điều kiện bình thường tại trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM. Giai đoạn 2: Nuôi tảo và nghiên cứu phương pháp để phát triển trong môi trường pô xe tại trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM. Giai đoạn 3: Thiết kế mẫu thử sản phẩm. 

Để có được kết quả như mong đợi, BITBO từng trải qua vô vàn khó khăn, thử thách. Dự án của nhóm là một dự án đòi hỏi phải có kiến thức hóa sinh để thực hiện, trong khi nhóm không có thành viên nào có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó. Vì vậy nhóm chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của các cố vấn chuyên môn, kỹ thuật viên có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực của dự án. 

“Không chỉ vậy, chúng mình còn gặp khó khăn về kinh phí, về quá trình tìm kiếm tài liệu, viết đề cương nghiên cứu, thực hiện thí nghiệm và thiết kế mô hình…  Tuy nhiên nhờ sự đồng lòng và quyết tâm, cuối cùng chúng mình cũng đã vượt qua,” một thành viên chia sẻ.

Nuôi tảo trong pô xe để lọc khói

Để thu khí CO2 từ màng lọc, nhóm đã dùng tảo ngâm cồn nhằm tạo ra chất diệp lục nhân tạo, ban ngày thực hiện quá trình quang hợp, CO2 sẽ được giữ lại. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm tính toán cứ 100% CO2 từ pô xe máy thải ra thì tảo sẽ giữ lại khoảng 70-80%. Ngoài hấp thu khí phát thải, màng lọc tảo còn là sản phẩm trang trí và đặc biệt là ngăn không cho nước vào bên trong pô xe khi bị ngập nước. 

“Sản phẩm dự kiến của dự án sẽ là một thiết bị gắn ở phía sau bô xe. Trong thiết bị đó sẽ bao gồm các màng lọc với nguyên liệu cốt lõi là tảo kết hợp với các chất hóa học khác tạo thành màng lọc hóa sinh có chức năng giữ lại khí CO2 được thải ra từ ống bô xe,” thành viên Gia Linh của nhóm dự án cho biết.

Nói về niềm tự hào đối với dự án, BITBO cho rằng đó là yếu tố con người vì đây là trải nghiệm đầu tiên của cả 4 thành viên trong nhóm. Từ lúc hăng say thảo luận ý tưởng để nộp đơn lên cho chương trình, rồi những khoảnh khắc thức trắng đêm làm việc cùng nhau, và cùng vỡ òa trong sung sướng khi dự án của nhóm được lọt vào TOP 6 dự án được ươm mầm. 

Trong giai đoạn ươm mầm, nhóm thực sự trải qua nhiều giai đoạn khá tiêu cực và đôi khi có xảy ra mâu thuẫn, nhưng các thành viên đã ngồi lại tâm sự chia sẻ với nhau thêm. Nhờ đó mối liên kết của nhóm đã được tăng cường, các thành viên trong nhóm hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của bản thân và của các thành viên còn lại, từ đó cố gắng hoàn thiện để trở nên tốt hơn. 

Với dự án của mình, BITBO mong muốn cung cấp một sản phẩm cho đối tượng thụ hưởng trong độ tuổi từ 18 trở lên (đủ điều kiện để sở hữu xe máy) và đã có thu nhập phân loại AB+. Tuy nhiên, đối tượng trực tiếp nhóm BITBO muốn nhắm đến là cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ sản phẩm và các doanh nghiệp xe gắn máy sử dụng. 

“Những kế hoạch tiếp theo của nhóm vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tập trung vào giai đoạn nghiên cứu phương pháp giúp tảo có thể sinh sống được trong môi trường bô xe và thiết kế mẫu thử thiết bị bịt bô đầu tiên,” BITBO bật mí.

Nếu nghiên cứu này thành công không chỉ được ứng dụng trong nghiên cứu khoa học mà còn trong thực tế, đây sẽ là một sáng tạo lớn đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường.

UPSHIFT là chương trình được tổ chức nhằm huấn luyện kỹ năng cho người trẻ và ươm tạo các dự án giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Với dự án này, BITBO lọt TOP 6 dự án được UPSHIFT 2019 ươm mầm và nhận được sự hỗ trợ tài chính 1.000 USD cùng những buổi tập huấn kỹ năng bổ ích từ chương trình. 

Tiếp tục đưa dự án đi thi cuộc thi Khởi nghiệp SPK (2019) do Vintech city cùng Đại học Sư phạm Kỹ thuật tổ chức, nhóm đạt giải nhì. Từng bước nhóm đã xây dựng được một mô hình nuôi tảo đơn giản và dần làm quen hơn với các quy trình thực hiện nghiên cứu và các quy trình trong phòng thí nghiệm.  

Ngoài ra ở lĩnh vực truyền thông, ý tưởng độc đáo của nhóm còn nhận được sự chú ý và quan tâm của các bên truyền thông, có thể kể đến các bài viết giới thiệu về dự án của nhóm trên các fanpage nhận được đông đảo lượng tương tác.

 

Nguồn: khampha

Số lượt đọc: 5129

Về trang trước Về đầu trang