Tin KHCN trong nước
Trình diễn cấy máy và phun thuốc bằng máy bay không người lái (10/07/2020)
-   +   A-   A+   In  

Thực tiễn sản xuất những năm gần đây cho thấy, máy cấy ra đồng đã giúp nông dân Hải Dương giảm chi phí đầu vào, giảm ngày công lao động, nâng hiệu quả kinh tế.

Chiều 9/7, tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã phối hợp tổ chức trình diễn cấy máy và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trên cánh đồng lúa của thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng.

 

Tại chương trình, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thông tin: Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là khâu quan trọng để giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản, những năm qua, Hải Dương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó tỷ lệ cấy máy tăng đáng kể.

 

Sản xuất vụ mùa năm 2020 tính đến thời điểm này, Hải Dương đã gieo cấy đạt trên 85% diện tích trong tổng số khoảng 57.000ha. Trong đó, tỷ lệ cấy máy đạt khoảng 8% diện tích.

 

Thực tiễn sản xuất những năm gần đây cho thấy, máy cấy ra đồng đã giúp nông dân Hải Dương giảm chi phí đầu vào, giảm ngày công lao động, nâng hiệu quả kinh tế.

 

Ông Vũ Đăng Toàn, thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 mẫu ruộng (7.200m2), năm 2016, hợp tác xã đưa máy cấy về làng, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang cấy bằng máy. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình tôi đều cấy và gặt bằng máy.

 

Từ khi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, đặc biệt là cấy bằng máy, vừa giảm được ngày công lao động, mà chất lượng, năng suất lúa hơn hẳn. Lúa thẳng hàng, cứng cây nên chống chịu được sâu bệnh, ngã đổ, năng suất cao hơn 35-40 kg/sào (360m2) so với cấy bằng tay.”


Thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng có trên 90% diện tích ruộng đã ứng dụng cấy máy. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 5ha thì năm 2020 đã có 180ha cấy máy.

 

Theo ông Vũ Đình Tam, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất phù hợp trong bối cảnh nông thôn thiếu nhân lực lao động, đặc biệt là vào ngày mùa. Để mở rộng được diện tích cấy lúa, cần tuyên truyền vận động nhân dân hiểu được hiệu quả,  lợi ích của việc cấy máy từ đó thay đổi dần.

 

Tham quan trình diễn và đặc biệt là tham quan cơ sở sản xuất mạ khay ở xã Tân Hồng, nơi mỗi năm sản xuất khoảng 110.000 khay mạ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá: “Hải Dương là một trong những tỉnh đi đầu của khu vực phía Bắc đã thực hiện cơ giới hóa khâu cấy lúa. Hiện nay, Hải Dương đã hình thành được một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả từ sản xuất mạ khay đến dịch vụ cấy trọn gói, mang lại kết quả tốt: chi phí dịch vụ gieo cấy giảm, đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Tốc độ mở rộng diện tích cấy bằng máy của Hải Dương tương đối nhanh, năm nay gấp đôi năm ngoái, đây là một xu hướng rất đáng mừng.”

 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, bên cạnh chính sách của Nhà nước, những năm tới, tỉnh Hải Dương cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các địa phương đẩy mạnh việc gieo cấy bằng máy.

 

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Hải Dương, hiện nay, trong sản xuất lúa, các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch ở Hải Dương cơ bản đều đã cơ giới hóa. Riêng với việc cấy máy, khó khăn nhất là khâu làm mạ khay.

 

Vừa qua, ngành nông nghiệp Hải Dương đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng Đề án Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh được cấy bằng máy.


Theo đó, sẽ có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực gieo mạ khay thông qua việc hỗ trợ chi phí đầu tư khay mạ, hỗ trợ giá thể, hỗ trợ giống...

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Trần Văn Quân bày tỏ mong muốn các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để mở rộng diện tích cấy máy trong thời gian tới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập từ trồng lúa cho người nông dân./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Số lượt đọc: 4095

Về trang trước Về đầu trang