Tin KHCN trong nước
Dầu sinh học từ rơm rạ bảo vệ đồ gỗ khỏi nấm mốc tấn công (06/07/2020)
-   +   A-   A+   In  

Lấy ý tưởng từ món thịt treo gác bếp, nhóm sinh viên tận dụng những thứ bỏ đi như rơm ra, bã mía để làm dầu sinh học bảo vệ đồ gỗ, giấy khỏi bị nấm mốc tấn công.

Tại vòng chung kết Bách Khoa Innovation được tổ chức vừa qua, nhóm UST với đề tài “Ứng dụng các hợp chất phenolic từ dầu sinh học trong bảo quản sản phẩm có gốc cellulose” đạt giải nhì và được đánh giá cao về ý tưởng, tính thực tế.

Dầu sinh học từ rơm rạ bảo vệ đồ gỗ khỏi nấm mốc tấn công - 1

Gian hàng trưng bày sản phẩm “Mộc” của nhóm UST tại Bách Khoa Innovation.

Nhóm gồm nữ sinh Trần Linh Chi (ĐH Bách Khoa) cùng ba chàng trai Nguyễn Bá Mạnh Khang, Võ Lê Việt Khải và Lê Thành Đức (ĐH Khoa học Tự nhiên), đồng hành cùng các bạn là PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng.

Ý tưởng từ miếng thịt trâu

Xuất phát ý tưởng từ câu hỏi của Linh Chi, về việc tại sao món thịt trâu mà cha của cô gái thích ăn lại có thể để lâu trên bếp mà không bị hỏng. Miếng thịt chỉ hun qua khói đã có thể bảo quản lâu đến vậy, thì có thể tạo ra chất gì khác để kéo dài thời gian giữ độ tươi mới của vật dụng không?

PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng, giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học và cũng là người dẫn dắt dự án, cho biết câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản đó lại rất phù hợp với sản phẩm dầu sinh học từ hệ thống khí hóa của RPTC lab (Phòng thí nghiệm Công nghệ Lọc hóa dầu của trường), và thế là cô trò cùng nhau bắt đầu một hành trình mới.

Dầu sinh học từ rơm rạ bảo vệ đồ gỗ khỏi nấm mốc tấn công - 2

Với ý tưởng tốt, UST nhận Giải nhì và Giải video tốt nhất tại cuộc thi. Trong ảnh: Mạnh Khang, Việt Khải, Linh Chi, PGS.TS. Kim Phụng và Thành Đức.

Xa hơn miếng thịt treo trên bếp lò, nhóm nhận thấy xung quanh ta còn rất nhiều đồ dùng dễ bị hỏng hóc qua thời gian, đặc biệt là các sản phẩm được tạo ra từ gốc cellulose như gỗ, giấy. “Nấm gỗ không chỉ làm hư hại sản phẩm mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người qua bệnh lao, bệnh cơ hội và thậm chí làm tử vong,” nhóm dự án cho biết.

Dẫn số liệu thực tế, nhóm cho biết sản lượng gỗ khai thác tại Việt Nam mỗi năm đạt 14,5 triệu m3, tạo ra giá trị 1,6 tỷ USD cho các ngành công nghiệp tạo sản phẩm từ gốc cellulose và 1 tỷ USD chỉ riêng cho các sản phẩm giấy. Bằng hệ thống khí hóa, nhóm tạo ra chất bảo quản giấy, gỗ để tăng hiệu quả kinh tế cho ngành.

Cho phế phẩm thêm một cuộc đời

Dầu sinh học mà nhóm UST tạo ra giúp tận dụng tốt nguồn tài nguyên bị vứt bỏ. Ở các nông trại, rơm rạ, bã mía, bã cà phê thường bỏ đi và được gọi là phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy vậy, nếu biết tái sử dụng chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về công năng lẫn kinh tế.

Thế là nhóm tìm đến sản phẩm nông nghiệp bỏ đi, chiết xuất và tách các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên này qua các quá trình lắng, lọc, ly tâm và sử dụng dung môi xanh để trích ly, trao đổi dung môi và pha loãng. Dung dịch đầu ra khi được pha với nồng độ phù hợp, trở thành sản phẩm độc nhất ở Việt Nam.

Dầu sinh học từ rơm rạ bảo vệ đồ gỗ khỏi nấm mốc tấn công - 3

Để có được một buổi cùng nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, cả nhóm phải vất vả sắp xếp thời gian vì không học cùng lớp.

Qua quá trình thử nghiệm ở điều kiện phòng thí nghiệm, dung dịch giúp kháng khuẩn và nấm mốc trên bề mặt gỗ đến 90%. Sản phẩm được nhóm đặt tên “Mộc” với ý nghĩa dự án được sản xuất từ nguyên vật liệu thô mộc, cũng như thành phẩm được sử dụng cho các đồ vật có gốc từ cây gỗ.

“Nguồn nguyên liệu đầu vào có sẵn và thường bị bỏ đi, vì thế nhóm muốn xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm có thể ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như giấy, dệt may. Điều quan trọng nhất, những sản phẩm này đều tự nhiên, an toàn và hiệu quả,” đại diện nhóm chia sẻ.

Sản phẩm độc đáo trên thị trường

Chuỗi công nghệ của nhóm UST đang thực hiện, có điểm đặc biệt là tính gắn kết, khả năng đồng bộ chặt chẽ, từ đó tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao hơn, an toàn hơn và giá thành thấp hơn. Từ những điều này, nhóm mong muốn được phát triển xa hơn nữa sản phẩm của mình.

Dầu sinh học từ rơm rạ bảo vệ đồ gỗ khỏi nấm mốc tấn công - 4

Dung dịch “Mộc” có khả năng kháng khuẩn, ngăn nấm mốc trên sản phẩm gỗ.

Nhóm cho biết, mặc dù khả năng kháng khuẩn cao nhưng hiện tại dung dịch vẫn tạo mùi khó chịu, sắp tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để giảm mùi cũng như giảm sự lệch màu, tạo độ thẩm mỹ cao hơn cho đồ dùng của khách hàng.

Trên thị trường trong nước có nhiều sản phẩm với công dụng tương tự, tuy nhiên chúng được điều chế từ hóa chất chứ không phải nguyên vật liệu có gốc tự nhiên. Qua khảo sát, nhóm tự tin cho biết đây là dung dịch độc nhất, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

“Do nguyên liệu đầu vào có giá trị thấp, dung dịch tạo ra có hiệu năng cao, vì thế có thể cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Ngoài ra, quá trình khí hóa giúp lượng chất thải sau sản xuất cũng có thể dùng để cải tạo đất nông nghiệp, gần như mọi quá trình đều thân thiện với môi trường,” UST chia sẻ.

Từ những tiềm năng to lớn, PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng đánh giá cao ý tưởng và thành quả của nhóm. Là giảng viên hướng dẫn, cô cho biết “gặp được nhau là duyên nhưng đạt thành công là sự cố gắng không ngừng của tập thể”, hy vọng sản phẩm sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đưa ra thị trường sớm nhất.

Nguồn: khampha

Số lượt đọc: 4314

Về trang trước Về đầu trang