Tin KHCN trong nước
Giải đáp thắc mắc về quy định trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (27/05/2020)
-   +   A-   A+   In  
Cục Sở hữu trí tuệ vừa giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Khoản 2, Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như sau: “2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp”.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, một người tên Minh Tú phản ánh, hiện tại, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn liên quan khác không có định nghĩa hoặc hướng dẫn cụ thể cách hiểu của “bên thứ ba” trong quy định nêu trên nên không rõ “bên thứ ba” được đề cập trong đoạn “hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba…” được hiểu là các bên nào, có bao gồm cơ quan nhà nước hay không? Và cụm từ “có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba” được hiểu như thế nào?

Theo cách hiểu của ông Tú, “bên thứ ba” sẽ không bao gồm cơ quan Nhà nước. Ví dụ hai doanh nghiệp đã ký kết Thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và không thực hiện đăng ký, thì theo quy định trên Thỏa thuận này vẫn có giá trị hiệu lực nên cơ quan thuế sẽ không được coi là “bên thứ ba” theo quy định này và cơ quan thuế sẽ không được từ chối giá trị pháp lý của Thỏa thuận chưa được đăng ký này. Để có cơ sở áp dụng cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, ông Tú đề nghị được hướng dẫn nội dung trên. 

Ảnh minh họa 

Về vấn đề này, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có giải đáp cụ thể. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp”.

Theo đó, việc đăng ký các hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (kể cả hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp) tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) là không bắt buộc và hợp đồng đó vẫn có hiệu lực theo thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thì sẽ không có giá trị pháp lý với bên thứ ba.

“Bên thứ ba” tại quy định này được hiểu là các cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao theo hợp đồng đó. Trong trường hợp cụ thể mà ông Tú nêu trên, cơ quan thuế không được coi là “bên thứ ba” theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ.

Kể từ ngày Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam (ngày 14/1/2019), việc đăng ký hợp đồng sử dụng (đối với nhãn hiệu) với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp để làm phát sinh giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ đã được thực hiện theo quy định của Hiệp định này theo nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với điều ướquốc tế (quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và khoản 2 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ).

Theo đó, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu sẽ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba mà không phụ thuộc vào việc đăng ký hợp đồng đó tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2959

Về trang trước Về đầu trang