Tin KHCN trong nước
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020: Công trình thứ 2 được công bố trên Tạp chí hạng nhất quốc tế về Vật lý (19/05/2020)
-   +   A-   A+   In  
Nghiên cứu mật độ mức và hàm lực bức xạ tia gamma là một trong những chủ đề nghiên cứu rất quan trọng trong ngành Vật lý nói chung và Vật lý hạt nhân nói riêng. Do vậy, công trình nghiên cứu "Mô tả vi mô và đồng thời mật độ mức và hàm lực bức xạ của hạt nhân nguyên tử" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân được được đề cử Giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Đam mê, tâm huyết với khoa học

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng cho biết: Nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học cơ bản là một hành trình khám phá suốt đời để tìm ra những kiến thức mới cho nhân loại. Kiến thức đó có thể chưa mang lại những ứng dụng nhất thời hoặc cũng có thể không bao giờ được đem ra ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ góp phần tạo cơ sở tiền đề cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo.

"Để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất vẫn là đam mê. Do vậy, công việc của các nhà nghiên cứu nói chung và cá nhân tôi nói riêng đòi hỏi phải thường xuyên tìm tòi, sáng tạo ra cái mới. Để làm được việc đó, chỉ có thực sự đam mê và tâm huyết với khoa học mới làm được. Những điều kiện khác như: Lương, cơ sở vật chất, chính sách… cũng quan trọng để hỗ trợ nhà khoa học yên tâm theo đuổi đam mê của mình", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Lĩnh vực Vật lý hạt nhân luôn là một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước. Cùng với niềm đam mê, tâm huyết với khoa học, công trình nghiên cứu "Mô tả vi mô và đồng thời mật độ mức và hàm lực bức xạ của hạt nhân nguyên tử" được công bố trên Tạp chí hạng nhất quốc tế (Physical Review Letters) về Vật lý.

Đây là công trình nghiên cứu thứ 2 của một nhóm tác giả người Việt Nam được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters. Công trình đầu tiên thuộc về nhóm tác giả tại Viện Vật lý được công bố năm 2002. Ngay sau khi bài báo được công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã gửi thư chúc mừng các tác giả của bài báo - Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để các nhà khoa học tiếp tục theo đuổi những hướng nghiên cứu lớn hơn.

Thực tế, nghiên cứu Vật lý hạt nhân ở Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Các nhà khoa học Việt Nam phải thường xuyên hợp tác với đối tác nước ngoài như: Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và ra nước ngoài làm việc trên những máy gia tốc mà Việt Nam chưa có. Do đó, công trình nghiên cứu này đã đóng góp chung cho thành công của lĩnh vực Vật lý Việt Nam và của nền khoa học Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng tâm sự: "Tôi may mắn khi được Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (RIKEN), Nhật Bản cấp học bổng toàn phần từ năm 2006 -2009 và theo học chương trình hợp tác vùng châu Á (Asian Program Associate) dành cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đồng thời, tôi được học tập và làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng, một nhà khoa học tài hoa, xuất sắc trong cả Vật lý, lẫn Hội họa, nghệ thuật tại RIKEN. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cùng sự đam mê và tâm huyết, sau 2 năm, tôi đã công bố được 3 bài báo trên Tạp chí Physical Review C và viết xong bản thảo luận án Tiến sĩ để gửi về Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Quốc gia làm thủ tục bảo vệ.

 

PGS. TS Nguyễn Quang Hưng là một trong số các nhà khoa học được đề cử giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. Ảnh: most.gov.vn 

Vật lý - Lĩnh vực nghiên cứu sôi động

Mật độ mức (Nuclear Level Density) và hàm lực bức xạ tia gamma (Radiative Gamma Strength Function) là hai đặc trưng cơ bản và rất quan trọng không chỉ đối với nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân, phản ứng hạt nhân hay quá trình tổng hợp các nguyên tố trong vũ trụ mà còn đối với nhiều lĩnh vực nghiên cứu cũng như ứng dụng khác như: Thiết kế máy gia tốc chùm hạt nhân phóng xạ, y học hạt nhân hay quá trình xử lý các chất thải phóng xạ.

Nghiên cứu về mật độ mức và hàm lượng bức xạ là một trong những chủ đề nghiên cứu sôi động trong cộng đồng các Nhà Vật lý hạt nhân trên thế giới, cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm. Một số trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đã và đang tập trung nghiên cứu như: Trung tâm máy gia tốc vòng (Cyclotron Center) thuộc Đại học Oslo (Na Uy), Phòng thí nghiệm máy gia tốc Edwards (Edwards Accelerator Laboratory) thuộc Đại học Ohio (Hoa Kỳ), Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Hoa Kỳ) với hệ phổ kế DANCE (Detector for Advanced Neutron Capture Experiments), Trung tâm nghiên cứu hạt nhân RCNP (Research Center for Nuclear Physics) thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản), Viện nghiên cứu hạt nhân liên hợp Dubna (Nga)...

Đặc biệt, từ năm 2000, Trung tâm máy gia tốc vòng của Đại học Oslo đã phát triển một phương pháp (gọi là phương pháp Oslo) cho phép trích xuất đồng thời mật độ mức và hàm lượng bức xạ từ phổ phân rã tia gamma của các hạt nhân hợp phần tạo ra từ thí nghiệm. Đến nay, phương pháp Oslo vẫn là phương pháp ưu việt nhất trong việc trích xuất mật độ mức và hàm lượng bức xạ của hạt nhân nguyên tử. Đặc biệt, hiện nay, nhiều mô hình lý thuyết được phát triển nhưng chưa có một mô hình lý thuyết vi mô nào có thể mô tả được đồng thời cả mật độ mức và hàm lượng bức xạ.

Trong công trình nghiên cứu, lần đầu tiên đề xuất một mô hình lý thuyết như vậy, tức là cho phép mô tả vi mô và đồng thời mật độ mức, hàm lượng bức xạ với độ chính xác cao, thể hiện qua số liệu tính toán từ mô hình hoàn toàn phù hợp với số liệu thực nghiệm của nhóm Oslo. Ngoài ra, ưu điểm nổi bật của mô hình là thời gian tính toán rất nhanh, chỉ mất khoảng 5 phút để tính được mật độ mức, hàm lượng bức xạ của một hạt nhân với máy tính cá nhân bình thường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh: Thực tế, việc công bố các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về nghiên cứu cơ bản trên các tạp chí quốc tế uy tín rất quan trọng. Trước kia, việc công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chưa được coi trọng bởi một số quan điểm cho rằng nghiên cứu cơ bản hay các bài báo quốc tế không giúp ích gì cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, với sự ra đời của Quỹ NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng với sự hội nhập toàn diện của khoa học và giáo dục Việt Nam với thế giới, nghiên cứu cơ bản được quan tâm nhiều hơn như thước đo đánh giá tiềm năng tri thức của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ, anh thực sự may mắn khi trở về nước làm việc đúng thời điểm cuối năm 2010. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED cùng với những hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước đối với nghiên cứu cơ bản, anh được hoàn toàn tập trung vào nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hạn chế trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các công trình, dự án nghiên cứu chất lượng cao. Do đó, Nhà nước cần có những thay đổi về chính sách cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tiếp tục thực hiện, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 5573

Về trang trước Về đầu trang