Tin KHCN nước ngoài
Đại học Oxford và Công ty Dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca hợp tác phát triển vắc xin Covid-19 (08/05/2020)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây, Đại học Oxford (Anh) đã ký thỏa thuận với Công ty Dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca (có trụ sở tại Anh và văn phòng tại Việt Nam) để phát triển và phân phối vắc xin adenovirus tái tổ hợp tiềm năng nhằm phòng ngừa bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Thỏa thuận hợp tác này nhằm mang đến cho bệnh nhân một loại vắc xin tiềm năng có tên là ChAdOx1 nCoV-19, được phát triển bởi các nhà khoa học của Đại học Oxford.

Theo thỏa thuận, Công ty Dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 trên toàn thế giới. Hai bên đồng ý hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, chỉ chi trả chi phí sản xuất và phân phối. Đại học Oxford sẽ không nhận tiền bản quyền từ loại vắc xin này trong đại dịch. Bất kỳ khoản tiền bản quyền nào mà họ nhận được sau đó sẽ được tái đầu tư trực tiếp vào nghiên cứu y tế. Hợp tác giữa Đại học Oxford và Công ty Dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc sản xuất vắc xin chống virus SARS-CoV-2. Sự hợp tác này cũng giúp đảm bảo rằng ngay khi vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 chứng minh được hiệu quả, nó sẽ được sản xuất sớm nhất để phục vụ cộng đồng.

Theo Đại học Oxford, ChAdOx1 nCoV-19 được sản xuất bằng cách sử dụng một vec tơ chuyển gen có nguồn gốc từ phiên bản suy yếu của adenovirus gây cảm lạnh thông thường chứa vật chất di truyền của protein dằm SARS-CoV-2 (spike protein). Sau khi tiêm vắc xin, protein dằm bề mặt được sinh ra, làm mồi dẫn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công virus SARS-CoV-2 (khi cơ thể bị lây nhiễm). Vectơ tái tổ hợp adenovirus (ChAdOx1) đã được chọn để tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ từ một liều duy nhất và nó không sao chép, do đó không gây nhiễm liên tục ở người được tiêm chủng. Cho đến nay, vắc xin này đã được dùng ở hơn 320 người và cho thấy được dung nạp tốt, mặc dù chúng có thể gây ra tác dụng phụ tạm thời như sốt, triệu chứng giống cúm, đau đầu hoặc cánh tay. 

 

Nguồn: http://vjst.vn

Số lượt đọc: 6013

Về trang trước Về đầu trang