Tin KHCN nước ngoài
Phát triển vật liệu mới kết cấu bền vững thay thế nhựa (06/05/2020)
-   +   A-   A+   In  
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của vật liệu nhựa đối với đời sống con người. Thế nhưng, thực tế cho thấy rác thải nhựa đã và đang trở thành mối hiểm họa đe dọa môi trường toàn cầu.

 

 Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa môi trường toàn cầu.

Mới đây, Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chỉ ra: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng nghĩa với việc, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông… Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.

Với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa đối với môi trường, một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) đã nghiên cứu và phát triển loại vật liệu mới cấu trúc bền vững sẵn sàng thay thế nhựa.

Hình a - ảnh chụp vật liệu mới với sự kết hợp của CNFP và protein của tơ nhện; Hình b - mạng lưới sợi nano của CNFP; Hình c - các bộ phận với hình dạng khác nhau được sản xuất từ vật liệu mới; Hình d, e - so sánh sự giãn nở của vật liệu mới với polyme, kim loại và gốm sứ. Nguồn: Phys.org. 

Cụ thể, vật liệu này tổng hợp bằng cách kết hợp các sợi cenllulose (CNFP) và protein của tơ nhện. Trong đó CNFP được lấy từ thực vật, còn tơ nhện không hẳn được lấy từ tơ nhện tự nhiên mà được sản xuất tơ nhân tạo bằng các vi khuẩn chứa DNA tổng hợp protein tương tự trong tơ nhện.

Giáo sư Shu-Hong Yu – trưởng nhóm nghiên cứu - Đại học USTC cho biết, với độ bền vượt trội và độ ổn định nhiệt lớn khiến cho vật liệu này trở thành chất thay thế hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Được biết, vật liệu mới có thể thay thế nhựa trong các lĩnh vực như sản xuất vật liệu composite sinh học, sợi phẫu thuật trong y học, ngành công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, đồng thời có khả năng phân hủy sinh học và không gây hại cho thiên nhiên.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5377

Về trang trước Về đầu trang