Tin KHCN trong nước
Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi (29/04/2020)
-   +   A-   A+   In  
Chiếc thùng rác nhìn qua như một món đồ nội thất xinh xẻo này vô cùng 'lợi hai', nó có thể ép rác thành phân bón và đặc biệt là chứa rác nhiều ngày mà không bốc mùi hôi thối.

Thùng rác thông minh FOW là sản phẩm sinh viên Huỳnh Tấn Long (sinh viên ngành Kiến trúc), cùng với người bạn của mình là Nguyễn Bảo Châu (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh), Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Sáng chế này mang tính thiết thực và ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường.

Kẻ 'ngoại đạo' mê xử lí rác thải

Dù không chuyên về công nghệ nhưng Huỳnh Tấn Long luôn ấp ủ mong muốn dùng công nghệ để tận dụng và xử lí rác thải cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này.

Năm 2017, Long cùng hai người bạn là Phan Đặng Trùng Dương, Nguyễn Quang Nhân bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm “Máy ép rác hữu cơ tự động sử dụng trong hộ gia đình”. Nhờ khả năng tự tìm tòi học hỏi và kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn, chiếc máy ép rác “made in Việt Nam" do nhóm sinh viên chế tạo đã ra đời.

Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi - 1

Huỳnh Tấn Long và Nguyễn Bảo Châu

Máy ép rác đời đầu không chỉ góp phần giải quyết được lượng rác thải từ các hộ gia đình thải ra hằng ngày, giữ rác được lâu không bốc mùi hôi thối…, mà còn biến rác thải thành phân bón hữu cơ để chăm bón cho cây trồng.

Tuy vậy, sáng chế này vẫn còn một số hạn chế nhất định về quy trình xử lý rác và nhân lực. Để giúp phát huy hiệu quả tốt nhất, nhóm bạn quyết định mang sản phẩm tham dự giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka, với mong muốn đơn giản là được thầy cô trong giới chuyên môn đánh giá, đóng góp ý kiến.

Vượt qua hàng trăm đề tài dự thi, đề tài về chiếc máy ép rác thải hữu cơ tự động của nhóm đã xuất sắc giành được giải ba trong cuộc thi này.

Là người “ngoại đạo”, đối với Tấn Long, giải thưởng là một động lực vô cùng lớn lao và tự nhủ sẽ không dừng lại ở đó mà phải làm sao cho sản phẩm thiết thực hơn. Sau khi đoạt giải thưởng, trong khi hai bạn đồng hành đã rời nhóm theo đuổi con đường riêng của mình, thì Long vẫn khát khao cải tiến chiếc máy ép rác.

Biến rác hữu cơ thành phân bón cây trồng

Qua sự giới thiệu của thầy cô, Long gặp Nguyễn Bảo Châu đang là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. Bảo Châu năng động, ham học hỏi, có kiến thức kinh doanh. “Bạn ấy sẽ hỗ trợ em giải quyết bài toán đưa sản phẩm ra thị trường”, Long chia sẻ.

Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi - 2

 

Thùng rác thông minh FOW “hô biến” rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng

Không phải chuyên ngành học nên hai bạn gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào sâu. "Nhiều lúc thật sự rất nản nhưng em vẫn giữ vững mục tiêu và niềm tin sẽ làm được. May mắn, trong quá trình thực hiện, chúng em đã được rất nhiều người hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình và chúng em đã vượt qua hết thảy những khó khăn đó", Long nói.

Với đam mê, nhiệt huyết của mình, hai bạn trẻ đã “hô biến” máy ép rác hữu cơ tự động sử dụng trong hộ gia đình thành thùng rác thông minh FOW.

Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi - 3

Huỳnh Tấn Long và Nguyễn Bảo Châu đang thuyết minh về thùng rác thông minh FOW tại Giải tài năng Lương Văn Can 2019. 

Trước đây, sản phẩm mẫu đầu tiên phải mất đến 6 tháng thủ công mới hoàn thành xong phần lõi và cho ra sản phẩm mẫu đầu tiên của máy ép rác hữu cơ tự động dùng trong hộ gia đình.

"Nhưng với phiên bản cải tiến là thùng rác thông minh FOW có những chi tiết phức tạp yêu cầu sự can thiệp của máy móc nên chúng em chỉ dùng phần mềm 3D để mô phỏng, tính toán và được kiểm tra mức độ khả thi bởi kỹ sư chuyên về cơ khí tự - động hóa”, Long cho biết.

Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi - 4

Nhờ tính thiết thực và hữu ích, sản phẩm đã được trao giải Nhì giải thưởng Lương Văn Can 2019. Trong ảnh: Hai bạn chụp hình kỷ niệm cùng với thầy hướng dẫn

Cũng theo chàng trai trẻ, tại Việt Nam, lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn, trong đó đa số là rác hữu cơ, nhưng việc xử lý rác đa số chỉ áp dụng biện pháp truyền thống, mất thời gian, công sức. Trong khi đó, rác thải lại có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường… và FOW sẽ giải quyết được tình trạng này.

Đối với rác hữu cơ như: rau, củ, quả, cơm khi bỏ vào thúng rác thông minh và đóng nắp lại, nhấn nút start (bắt đầu) để tiến hành xử lý. Khi hoàn thành, người dùng có thể lấy làm phân bón cho cây trồng.

Thùng rác thông minh FOW còn được thiết kế bắt mắt, tựa như chiếc tủ, đồ nội thất. Do vậy, người dùng có thể đặt thùng rác này tại nhà, trường học, cơ quan hành chính.

Chiếc thùng xinh xắn biến rác thành phân bón mà không lo bốc mùi - 5

Người dùng có thể đặt thùng rác xinh đẹp này tại nhà, trường học, cơ quan hành chính.

Theo nhóm, để sản xuất thùng rác thông minh FOW với giá thành thấp cần có dây chuyền sản xuất hiện đại và nguồn lực đầu tư lớn. Do vậy, biện pháp khả thi nhất theo Long là giao cho một đơn vị gia công sản xuất. Để có được điều này, Long cho biết phải xác định mục tiêu của khách hàng, các chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường, cách giảm tối đa chi phí tạo ra sản phẩm, cách làm việc nhóm và chọn đồng đội cùng đồng hành.

“Hiện tại em đang làm đề án tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc, dự kiến cuối năm 2020 sẽ ra trường. Em mong muốn vừa được làm đúng chuyên ngành của mình, vừa tiếp tục thực hiện dự án thùng rác thông minh FOW” - Huỳnh Tấn Long khẳng định.

Nguồn: khampha.vn

Số lượt đọc: 5630

Về trang trước Về đầu trang