Tin KHCN trong nước
Nguy cơ phơi nhiễm chất hiếm từ đồ gia dụng (23/04/2020)
-   +   A-   A+   In  
Nghiên cứu của PGS.TS Trần Mạnh Trí tìm và xây dựng thành công bản đồ phân bố chất Phthalate gây ô nhiễm không khí trong nhà, có nguồn từ sơn, nhựa.

Nghiên cứu "sự xuất hiện của Phthalate trong không khí trong nhà tại một số tỉnh thành phía Bắc Việt Nam và những liên quan đến rủi ro phơi nhiễm ở người" do PGS Trần Mạnh Trí và cộng sự, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội thực hiện, vừa nhận đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ do tính hữu ích của công trình. Phthalate là một chất hóa học được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn, mỹ phẩm... để thay đổi tính chất cơ lý quan trọng của vật liệu.

Bước đầu nhóm nghiên cứu đánh giá nguồn gốc phát tán chủ yếu các hợp chất Phthalate vào không khí trong nhà từ chính các sản phẩm chăm sóc cá nhân (như dầu gội đầu, sữa tắm, kem dưỡng da, son phấn...) và đồ dùng bằng nhựa. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mức độ ô nhiễm Phthalate trong các hộ gia đình ở thành phố lớn như Hà Nội cao hơn đáng kể so với các thành phố khác, trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm Phthalate với liều lượng cao hơn so với người trưởng thành. Các môi trường nghề nghiệp như hiệu làm tóc, nhà trẻ, xe hơi hoặc trong chính hộ gia đình cũng có nguy cơ phơi nhiễm Phthalate cao đáng kể.

Theo PGS Trí, độc tính của nhóm hợp chất phthalate đã được nghiên cứu trên động vật phòng thí nghiệm và được xác định là tác nhân gây rối loạn nội tiết do làm thay đổi hệ hormone sinh sản ở thỏ và chuột. Một số nghiên cứu gần đây cũng đã tìm thấy sự có mặt dạng chuyển hóa của phthalate trong sữa, nước tiểu và huyết thanh người. Một vài bằng chứng đã chỉ ra mối liên hệ giữa người mẹ bị phơi nhiễm phthalate đến sự thay đổi tập tính của trẻ.

Kết quả giúp "đưa ra phương pháp chuẩn nghiên cứu hợp chất phthalate cho các phòng thí nghiệm, tạo cơ sở số liệu cho các nhà quản lý môi trường đánh giá mức độ gây hại của chất này", PGS Trí nói.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu không khí tại các tỉnh thành phía Bắc bằng kỹ thuật sử dụng bơm hút không dầu (với tốc độ dòng hút tương tự như tốc độ hít thở con người), các chất phân tích được thu giữ trên màng lọc thạch anh và ống nhựa tổng hợp dạng xốp. Sau đó, các hợp chất này được chiết bằng kỹ thuật chiết lỏng-rắn với hỗn hợp dung môi chiết thích hợp trước khi thực hiện phân tích trên thiết bị sắc ký khí.

Nhờ phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ phân giải cao (GC/MS), nhóm nghiên cứu xác định được đồng thời 10 hợp chất thuộc nhóm Phthalate trong không khí. Tiêu biểu như diethylphthalate (DEP), được sử dụng làm thuốc chống ghẻ), diisobutylphthalate (DiBP), có trong thành phần vỏ chai nhựa chứa đồ uống và hợp chất di-2-ethylhexylphthalate (DEHP), được quy định hạn chế sử dụng trong đồ uống, năm 2011của Bộ Y tế.

Nghiên cứu chỉ ra Phthalate phân bố với nồng độ cao trong tất cả các mẫu nhóm thu thập tại một số tỉnh miền Bắc gồm Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang.

Vấn đề cấp thiết hiện nay, Việt Nam thiếu các phương pháp chính xác để đánh giá mức độ ô nhiễm từ các hợp chất hữu cơ trong môi trường, số liệu về sự phân bố mức độ ô nhiễm hợp chất hữu cơ chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc quản lý môi trường, nhằm hạn chế rủi ro và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Việc phát hiện và xây dựng bản đồ phân bố hợp chất phthalate gây ô nhiễm không khí là hướng nghiên cứu mới trên thế giới và lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. "Hiện vẫn còn ít những hiểu biết về mức độ phơi nhiễm Phthalate từ không khí trong nhà, kết quả này là cơ sở tốt cho việc dự báo tiềm năng, mức độ tác động đến sức khỏe con người và chất lượng không khí nhà ở của chất Phthalate trong tương lai", PGS Trí cho biết.

Là nghiên cứu triển khai đầu tiên tại Việt Nam, nên nhóm gặp nhiều khó khăn. Một số thiết bị, hóa chất cho thí nghiệm phải chuẩn bị mới và nhập khẩu. Việc thu thập mẫu khí trong nhà cần có thời gian khảo sát và sự giúp đỡ từ các hộ gia đình. Quá trình thực hiện ban đầu có thể xuất hiện sai số cho kết quả đo từ chính các dụng cụ trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, việc chuẩn hóa phương pháp phân tích cần được thực hiện lặp lại trong tất cả các bước thực nghiệm. "Ban đầu nhóm nghiên cứu mất khá nhiều thời gian để khảo sát lựa chọn điều kiện phân tích tối ưu.Cuối cùng tất cả các khó khăn đó đều được giải quyết và thành công của đề tài là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực nhóm nghiên cứu", ông nói.

Ngoài Phthalate, PGS Trí đã tìm ra phương pháp phân tích tối ưu để quan trắc mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm của một số chất được sử dụng phổ biến nhưng được cho gây rối loạn nội tiết chẳng hạn như paraben, benzophenone, siloxane trong các môi trường khác nhau. "Nếu chỉ tìm ra tính chất vật lý, nồng độ của các chất trong điều kiện chuẩn thì chưa nói lên được gì, quan trọng phải xác định thông số vật lý trong điều kiện thực tế, phát triển đánh giá rủi ro phơi nhiễm của những chất phổ biến trong môi trường và có hại này", ông nói.

Tốt nghiệp cử nhân, tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS Trí thường nói vui rằng mình là "nội địa" hoàn toàn. Dành nhiều năm tập trung nghiên cứu hướng phân tích các hợp chất hữu cơ trong môi trường, ông luôn thôi thúc bản thân có những nghiên cứu thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề ô nhiễm, đáng quan tâm tại Việt Nam. Thực tập sau Tiến sĩ tại Đại học Albany (New York, Mỹ), ông quyết định phát triển các kỹ thuật phân tích hiện đại kết hợp với nền tảng kiến thức cơ bản nhằm truy tìm những hợp chất gây rối loạn nội tiết mới nổi, góp phần giảm thiểu mức độ rủi ro phơi nhiễm đối với con người.

Là tác giả chính của 40 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và hơn 20 công bố đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SCI, PGS Trí chia sẻ kế hoạch sắp tới sẽ tập trung tiếp tục thử nghiệm, phân tích, quan trắc phthalate trong những môi trường khác nhau, tối ưu bản đồ phân bố chất ô nhiễm. "Để phát hiện nghiên cứu sâu một hợp chất mới, có thể cần tới 5 năm, thậm chí 10 năm, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để sớm có kết quả mới", ông nhấn mạnh. Năm 2017, nghiên cứu sự xuất hiện của phthalate trong không khí trong nhà đã đăng trên Science of Total Environment (tạp chí hàng đầu, uy tín về lĩnh vực hóa học phân tích, khoa học môi trường và khoa học sự sống).

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2620

Về trang trước Về đầu trang