Tin KHCN nước ngoài
Chế tạo thiết bị “da điện tử” có độ bền cao từ vảy cá (26/03/2020)
-   +   A-   A+   In  

Hiện nay, các thiết bị điện tử linh hoạt có thể gắn lên da ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng từ hỗ trợ theo dõi tình trạng sức khỏe đến giúp kiểm soát cử chỉ. Trong tương lai, mục tiêu của các nhà nghiên cứu là hướng tới những giải pháp mới mang tính thân thiện với môi trường. Xuất phát từ ý tưởng này, một nhóm các nhà khoa học gồm các thành viên Hai-Dong Yu, Juqing Liu và Wei Huang đến từ trường Đại học Công nghệ Nam Kinh của Trung Quốc đã bắt đầu phát triển một công nghệ thay thế dựa trên loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, đó chính là vảy cá.

Thông thường, các thiết bị "da điện tử" có cấu tạo bao gồm một bộ phận đế bằng nhựa trong suốt, linh hoạt, có thể co giãn, bên trong có chứa các bộ phận điện tử. Tuy nhiên, thời gian sử dụng những loại thiết bị này thường không quá một tuần nên người dùng thường vứt đi sau khi sử dụng.

Nhóm nghiên cứu quyết định lựa chọn vảy cá vốn thường không được xem là một trong những phế phẩm, đương nhiên phải vứt bỏ để làm vật liệu cho thử nghiệm. Các chuyên gia đã phát triển một mô hình gelatine có nguồn gốc từ collagen trong các vảy cá. Tiếp sau đó, họ tiến hành đổ gel đó vào khuôn đĩa petri - một loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy và để cho đến khi gel khô, tạo thành một lớp màng ở trạng thái trong suốt, linh hoạt, có độ bền cao, và đặc biệt là có thể sử dụng để chế tạo thiết bị da điện tử.

Các nhà khoa học cho biết thời gian sử dụng của công nghệ da điện tử dựa trên vật liệu mới không dài hơn so với các thiết bị điện tử đeo thông thường. Tuy nhiên, nếu như loại thiết bị đeo thông thường được chế tạo từ nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ có nhược điểm là phải mất rất nhiều thời gian mới phân hủy trong môi trường thì vật liệu mới lại rất dễ phân hủy, mang tính thân thiện với môi trường. Trên thực tế, nếu ngâm trong nước đun ở nhiệt độ 60 độ C trong vài giây, lớp màng sẽ từ từ tan ra và trở lại thành gelatine có thể được tái sử dụng. Và khi được chôn trong đất, vật liệu sẽ phân hủy hoàn toàn trong vòng 24 ngày.

Nhóm nghiên cứu đã tận dụng tính năng uốn cong và co giãn 1.000 lần của lớp màng để chế tạo một thiết bị điện phát quang xoay chiều có khả năng phát sáng liên tục.

Bài báo về kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí ACS Nano.

Nguồn: www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3675

Về trang trước Về đầu trang