Tin KHCN trong nước
Tham vấn các nhà khoa học đầu ngành về phòng, chống COVID-19 (18/03/2020)
-   +   A-   A+   In  

Chế tạo robot hỗ trợ dọn dẹp, chăm sóc người tại khu vực cách ly; điều trị cho người bệnh bằng kháng thể đơn dòng; mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm virus SARS-CoV-2... là những đề xuất của các nhà khoa học để ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Ngày 17/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức cuộc họp tham vấn các nhà khoa học chuyên ngành về những giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì cuộc họp.

 

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 và cần có sự tham gia của giới khoa học Việt Nam, Bộ KH&CN mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu sẽ đóng góp ý kiến về các định hướng nghiên cứu, góp phần phòng, chống dịch bệnh.

 

Tại cuộc họp, thảo luận về tình hình COVID-19, các nhà khoa học đều nhận định Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và khoanh vùng dịch khá hiệu quả. Tuy nhiên, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, cần có sớm các giải pháp hỗ trợ điều trị và hướng nghiên cứu phục vụ lâu dài.

 

GS. TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, công tác chăm sóc người cách ly cần huy động nguồn nhân lực lớn, công tác khử trùng khử khuẩn hiện tại cũng chủ yếu sử dụng sức người. Các bác sỹ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và cả bản thân họ. “Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa bề mặt và hỗ trợ trong quá trình khám chữa bệnh, các y, bác sĩ sẽ được giảm tải. Vì vậy, thời gian tới có thể tính toán đến việc sản xuất robot làm các công việc dọn dẹp, khử trùng, từ đó chống lây nhiễm chéo” – GS Nguyễn Văn Kính đề xuất.

 

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Văn Kính, GS.TS Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia về "Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng" cho rằng, cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc... đồng thời nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ cho điều trị COVID-19. Ngoài ra cần chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm virus. "Thời gian qua số lượng phòng thí nghiệm được phép thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác xét nghiệm", GS Lê Bách Quang nói.

 

Về vấn đề sản xuất vaccine, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong quá trình sản xuất vaccine, ngoài việc phát hiện trực tiếp các tác nhân gây bệnh còn có nguyên lý phát hiện gián tiếp để tìm ra các kháng nguyên, kháng thể. Hiện tại, việc điều trị cho người bệnh bằng kháng thể đơn dòng đã được chứng minh đem lại hiệu quả tốt. Phương pháp này cũng được thực hiện đơn giản, ít tốn kém. Theo PGS Nguyễn Thị Lan Anh, sau khi hết dịch cũng cần có các giám sát trong tương lai về dịch tễ học dựa trên nguyên lý về kháng nguyên, kháng thể của cơ thể trong giai đoạn phục hồi để có những giải pháp ứng phó trong các dịch bệnh khác.

 

Trước các đề xuất, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, với những trường hợp cấp bách Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm giải quyết. Về sản xuất vaccine, điều chế kháng thể đơn dòng sẽ tiếp tục trao đổi sâu hơn cùng các nhà khoa học để triển khai.

 

Trước đó Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc SARS-CoV-2; Nghiên cứu dịch tễ học SARS-CoV-2; đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị bệnh nhân nhiễm.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3988

Về trang trước Về đầu trang