Tin KHCN trong nước
Kỹ sư Việt chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân (13/03/2020)
-   +   A-   A+   In  
Buồng khử khuẩn sử dụng muối ion có khả năng diệt khuẩn 99,99% do nhóm kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp, môi trường chế tạo.

Mô hình buồng khử khuẩn được lên ý tưởng xây dựng từ đầu tháng 2/2020, khi Việt Nam có bệnh nhân nhiễm nCoV. Chỉ hơn một tháng, sản phẩm ra đời. Đưa vào thử nghiệm, Phòng Thí nghiệm Vi sinh, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá buồng khử có khả năng diệt khuẩn đến 99,99%.

Người đến khám tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đi qua buồng khử khuẩn. 

Người đến khám tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đi qua buồng khử khuẩn. 

Buồng khử khuẩn hoạt động theo cơ chế tự động. Để sử dụng, khi đèn báo tín hiệu bật màu xanh, người dùng bước vào trong. Khi đó hệ thống phun sương khử khuẩn thực hiện hai lần trong 15 giây, đèn báo chuyển sang màu đỏ. Dung dịch sát khuẩn là muối ion hóa dạng sương để tránh nguy cơ gây kích ứng da, khi hít vào có thể sát khuẩn trực tiếp mũi và họng mà không gây khó thở đối với người dùng.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết muối ion hóa có khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, phòng lây nhiễm nCoV trên bề mặt như quần áo, điện thoại, giải quyết phần nào nhu cầu sàng lọc lây nhiễm tại một số khu vực tiếp xúc đông người như trường học, bệnh viện.

Phần chính của hệ thống là máy phun dung dịch sương mù tự động 360 độ, kết hợp với cảm biến hồng ngoại lắp đặt bên trong buồng, giúp quá trình phun khử khuẩn được thực hiện tự động khi phát hiện có người đi qua. "Ngoài việc lắp ráp các phần cơ của buồng khử, nhóm đang nghiên cứu tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và đo nhiệt độ hình ảnh để cung cấp thông tin về thân nhiệt người trong buồng. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong quá trình chế tạo", TS Nguyễn Thành Nhân, trưởng nhóm cho biết.

Hệ thống phun sương khử toàn thân người. Ảnh: NX.

Hệ thống phun sương khử toàn thân người. Ảnh: NX.

TS Nhân chia sẻ, để đối phó với Covid-19 tại Việt Nam, nhóm đã chủ động lên kế hoạch chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân chỉ sau một tháng. Hiện buồng khử khuẩn của nhóm đã được lắp đặt thử nghiệm, đáp ứng công suất lên tới 1.000 người/ngày.

Nhóm nghiên cứu dự định nhân rộng mô hình buồng khử khuẩn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, các khu cách ly và địa điểm công cộng để công tác khử khuẩn, phòng chống dịch được đẩy mạnh. Ngoài thiết bị muối ion hóa phun sương, nhóm đang trong quá trình thử nghiệm thêm buồng khử khuẩn nhiệt ozone và thiết kế buồng sấy tiệt trùng quần áo y tế chuyên dụng của bác sĩ.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4150

Về trang trước Về đầu trang