Tin KHCN trong nước
Bắc Giang: Bảo hộ nhãn hiệu cho hành tía Tân Yên (17/03/2020)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hành tía Tân Yên, Bắc Giang. Đây là cơ hội để sản phẩm nâng cao giá trị trên thị trường.

Sau khi qua xem xét 79 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm của tỉnh Bắc Giang thì Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bảo hộ nhãn hiệu cho 37 sản phẩm.

Trong số 37 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa có các sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng, như: Mì Chũ Xuân Trường (Lục Ngạn), Lợn sạch Thao Thanh (Lạng Giang), Hành tía Tân Yên, Khoai lang Bắc Lũng (Lục Nam)...

Theo đó, đến nay toàn tỉnh có gần 730 sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Đây cũng là những sản phẩm tiêu biểu, chủ lực và tiềm năng của tỉnh. 

hanh tia

 Bắc Giang: Bảo hộ nhãn hiệu cho hành tía Tân Yên

Với sản phẩm hành tía thì đây là cây trồng truyền thống tại các xã Liên Chung, Việt Lập, Quế Nham thuộc huyện Tân Yên. Trong đó nguồn gốc và tập trung chủ yếu tại xã Liên Chung. Hành ở Tân Yên thường có màu tía, củ to và thơm đậm rất dễ phân biệt với những giống hành trồng ở nơi khác. Thời vụ trồng hành vụ mùa, bắt đầu từ tháng 9 và thu hoạch trong dịp cuối năm, kịp bán trong dịp tết.

Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được xem là cơ hội tốt để hành tía Tân Yên nâng cao giá trị trên thị trường, giúp bà con ổn định về kinh tế.

Một sản phẩm cũng khá được chú ý tại Bắc Giang và được bảo hộ nhãn hiệu chính là mì chũ Xuân Trường, Lục Ngạn. Với người dân nơi đây, Mì Chũ là niềm tự hào, món ăn thôn quê này đã trở nên phổ biến trong bữa ăn gia đình cũng như trong các nhà hàng cao cấp. Mì Chũ Xuân Trường cũng đóng góp vào thương hiệu của quê nhà.

Mì Chũ là một món ăn không còn quá xa lạ, nhưng để làm ra những sợi mỳ nức tiếng ấy là cả một quá trình công phu. Anh Phạm Xuân Trường, Chủ nhiệm HTX Mì Chũ Xuân Trường (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương) - cho biết: Mì gạo Chũ được làm ra bởi gạo bao thai hồng, đây là loại gạo được trồng ở vùng đất đồi Lục Ngạn nên hạt gạo rất chắc, to, khi nấu lên rất thơm. Có lẽ chính vì thế mà Mì Chũ lại có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên.

Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người làm mỳ phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức. Gạo đem về nhặt, đãi, vo sạch, cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột deo dẻo, sanh sánh. Bột ấy được đem ra lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải người làm mì nào cũng thực hiện được.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 4913

Về trang trước Về đầu trang