Tin KHCN trong nước
Doanh nghiệp và chỉ số sẵn sàng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (18/02/2020)
-   +   A-   A+   In  

Áp dụng chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp xác định thời điểm bắt đầu, cách thức mở rộng quy mô của doanh nghiệp và xây dựng chiến lược, kế hoạch để doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Có ba “hiện tượng” dễ dàng nhận thấy trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0) là: Thứ nhất, doanh nghiệp ý thức được Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chuyển đổi sản xuất; thứ hai, số lượng các doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tăng; thứ ba, Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn được doanh nghiệp xem là một vấn đề mới, nhiều “bí ẩn”. Chính vì vậy, cần áp dụng chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp xác định thời điểm bắt đầu, cách thức mở rộng quy mô của doanh nghiệp và xây dựng chiến lược, kế hoạch để doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Doanh nghiệp tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành một môi trường “siêu kết nối” và thông minh, vượt ra khỏi phạm vi của khu vực sản xuất. Trong đó, quá trình tự động hóa và các hoạt động tương tác không chỉ xảy ra trong hoạt động sản xuất của nhà máy, mà diễn ra dọc theo chuỗi giá trị (gồm: nhà cung cấp, nhà vận chuyển, nhà bán lẻ, khách hàng…) trong suốt toàn bộ vòng đời sản phẩm.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy các nhà máy sản xuất chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, cho phép thực hiện các giao tiếp từ máy tới máy (M2M) dựa trên nền tảng In-tơ-nét vạn vật (IoT) nhằm mục tiêu tăng khả năng tự động hóa, cải thiện hoạt động kết nối, giao tiếp và giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy. Bên cạnh đó, các nhà máy thông minh hỗ trợ thực hiện các cấp độ “tự chẩn đoán”và phân tích để tối ưu hóa hiệu quả, nâng cao khả năng tích hợp chuỗi giá trị và tăng cường mức độ “thông minh” của hệ thống sản xuất. Như vậy, có thể thấy rằng, nhà máy thông minh là một trong những phương thức tiếp cận mới của doanh nghiệp đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình chuyển đổi sang nhà máy thông minh sẽ có các chức năng và mục tiêu mới, như quản lý chất lượng “thế hệ mới”, bao gồm kiểm soát theo mô hình khép kín, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm; tích hợp con người, quy trình và công nghệ theo chuỗi giá trị, thúc đẩy năng suất lên “một tầm cao mới”; rút ngắn chu kỳ đổi mới sản phẩm đối với các sản phẩm “phức tạp”, rút ngắn “thời gian thu lợi nhuận” từ sản phẩm; hệ thống sản xuất linh hoạt theo chuỗi giá trị cho phép nhà máy thông minh thực hiện sản xuất hàng loạt hoặc sản xuất riêng lẻ tùy theo điều kiện thay đổi của thị trường và người tiêu dùng.

 

Nhà máy thông minh sẽ có sự tương tác mạnh mẽ với các bên có liên quan như nhà cung cấp công nghệ, cơ quan chính phủ, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học… Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng mô hình để giúp các doanh nghiệp tại các quốc gia chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết. Cụ thể, để thực hiện chuyển đổi, trước hết, các doanh nghiệp cần được đào tạo những kiến thức cơ bản về Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà máy thông minh, các công nghệ mới (IoT, dữ liệu lớn, mô phỏng…). Trên cơ sở đó, cần đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp đối với khả năng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 theo các tiêu chí cụ thể. Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, tính toán “khoảng trống” của doanh nghiệp giữa hiện tại và mục tiêu tương lai…; xây dựng lộ trình, kế hoạch tiếp cận, áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động của hiệu quả kinh doanh lên mô hình sản xuất của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, chỉ định các nhà cung cấp giải pháp để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư tăng cường trang thiết bị, công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0… bảo đảm quá trình vận hành sản xuất an toàn, đáp ứng mục tiêu hiệu suất và chất lượng, qua nó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Các doanh nghiệp cũng coi Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòn bẩy để tăng cường tổ chức, năng suất và hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.

 

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận, áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 không đồng đều giữa các ngành và doanh nghiệp khác nhau. Do đó, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được phát triển để giải quyết những thách thức này. Hiện nay, trên thế giới, có khá nhiều các chỉ số đánh giá khả năng sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng dựa trên Mô hình kiến ​​trúc tham khảo cho ngành Cách mạng công nghiệp 4.0 (Reference Architectural Model for Industry 4.0, RAMI 4.0) được phát triển bởi Platform Industrie 4.0. RAMI 4.0. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng mô tả về mô hình công nghiệp 4.0, bao gồm chỉ số trưởng thành của doanh nghiệp 4.0 (Industrie 4.0 Maturity Index) được phát triển bởi Viện Khoa học và Kỹ thuật Đức (German Academy of Science and Engineering, acatech); mô hình Bersin để phát triển vốn nhân lực của Deloitte…

 

Các trụ cột xác định chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của doanh nghiệp

 

Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 được xác định dựa trên ba trụ cột cốt lõi và tám trụ cột chính. Ba trụ cột cốt lõi trong Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, gồm trụ cột cốt lõi về công nghệ, về quá trình và về tổ chức. Ba trụ cột cốt lõi này được áp dụng để đánh giá cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhằm xem xét khả năng sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng chuyển đổi thành mô hình nhà máy thông minh trong tương lai. Nền tảng của ba trụ cột cốt lõi là tám trụ cột chính, đại diện cho các vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp phải quan tâm, cải thiện để nâng cao khả năng sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp.

 

Trụ cột cốt lõi về công nghệ

 

Công nghệ là yếu tố quan trọng trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Các công nghệ kỹ thuật số mới đang tạo ra một ngành công nghiệp “siêu kết nối”, nơi các máy móc, thiết bị sản xuất được tích hợp với các hệ thống kinh doanh, qua đó cho phép thực hiện hoạt động trao đổi, phân tích dữ liệu một cách liên tục theo thời gian thực. Hệ thống thực – ảo hỗ trợ cho các nhà máy thông minh sản xuất nhanh hơn, linh hoạt hơn và “thông minh” hơn.

 

Để hiện thực hóa Cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên nền tảng sản xuất hiện tại, các doanh nghiệp cần tiếp tục áp dụng các công nghệ mới để tăng cường mức độ kết nối, tự động hóa và “thông minh” hơn. Nhằm cụ thể hóa vấn đề này, trụ cột cốt lõi công nghệ có thể được chia thành ba trụ cột chính là: trụ cột về tự động hóa, trụ cột về kết nối và trụ cột về thông minh.

 

Trụ cột về tự động hóa (thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm soát quá trình sản xuất, phân phối các sản phẩm và dịch vụ) là một đặc điểm nổi bật của Cách mạng công nghiệp 3.0. Tự động hóa không chỉ giải phóng việc thực hiện các nhiệm vụ “lặp đi lặp lại” của người lao động, mà còn tăng cường tốc độ, chất lượng, hiệu quả và tính nhất quán của quá trình sản xuất.

 

Trụ cột về kết nối là đo tình trạng liên kết “theo thời gian thực” giữa các thiết bị, máy móc và hệ thống sản xuất dựa trên nền tảng máy tính và công nghệ thông tin, qua đó cho phép thực hiện các hoạt động giao tiếp và trao đổi dữ liệu giữa các máy móc trong quy trình sản xuất.

 

Trụ cột về thông minh là việc xử lý và phân tích dựa trên nền tảng dữ liệu trong khi trụ cột về tự động hóa cung cấp nền tảng hạ tầng “cứng” cho Cách mạng công nghiệp 4.0; trụ cột về kết nối hoạt động như “hệ thống thần kinh trung ương”, trụ cột về thông minh sẽ trở thành “bộ não” cung cấp năng lượng để doanh nghiệp có thể tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này.

 

Trụ cột cốt lõi về quá trình

 

Trước đây, doanh nghiệp tập trung cải thiện hiệu quả của các quy trình riêng lẻ. Doanh nghiệp đã sử dụng các cải tiến quy trình để giảm chi phí, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, khái niệm cải tiến quy trình được mở rộng, trong đó tập trung vào việc tích hợp các quy trình trong một mô hình điều hành, một chuỗi cung ứng hoặc một vòng đời sản phẩm. Điều này bắt nguồn từ đặc điểm mới về tính kết nối, thông minh giữa các bộ phận, quy trình trong doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

 

Trụ cột về điều hành, bao gồm việc lập kế hoạch và thực hiện các quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ. Mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi các nguyên liệu thô và lao động thành sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp nhất.

 

Trụ cột về chuỗi cung ứng, quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm việc lập kế hoạch và quản lý nguyên liệu thô, hàng tồn kho của một doanh nghiệp, từ điểm đầu đến điểm tiêu thụ trong chuỗi cung ứng. Các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống sẽ được số hóa. Các quá trình trong chuỗi cung ứng sẽ được kết nối thông qua hệ thống mạng cảm biến; được quản lý thông qua một trung tâm dữ liệu trung tâm; được phân tích thông qua các công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Việc số hóa các chuỗi cung ứng cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hàng tồn kho, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, qua đó mang lại lợi ích cho tất cả đối tượng trong chuỗi cung ứng.

 

Trụ cột về vòng đời sản phẩm đề cập đến chuỗi các giai đoạn mà sản phẩm trải qua từ giai đoạn ban đầu đến giai đoạn cuối cùng, bị “loại bỏ” khỏi thị trường. Các giai đoạn này, bao gồm từ thiết kế kỹ thuật, sản xuất, sử dụng, cung ứng dịch vụ và xử lý yêu cầu của khách hàng… Những tiến bộ trong kỹ thuật số đã tích hợp các yếu tố quan trọng, như dữ liệu, quy trình, hệ thống kinh doanh, con người… để tạo thành một “xương sống” thông tin thống nhất trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể quản lý trực tiếp vòng đời sản phẩm thông qua công nghệ kỹ thuật số.

 

Trụ cột cốt lõi về tổ chức

 

Tổ chức là trụ cột cốt lõi thứ ba được sử dụng để đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Thường bị đánh giá thấp hơn, tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trụ cột cốt lõi về tổ chức lại đóng vai trò quan trọng không kém bên cạnh trụ cột cốt lõi về công nghệ và trụ cột cốt lõi về quá trình. Để duy trì sự phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức và quy trình, qua đó cho phép người lao động được trang bị các kỹ năng cần thiết để “theo kịp” tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để một doanh nghiệp có thể thực hiện chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả, dưới góc độ trụ cột cốt lõi về tổ chức, các cải tiến cần được thực hiện đồng thời với hai trụ cột: trụ cột về sự sẵn sàng nhân lực và trụ cột cấu trúc và quản lý.

 

Trụ cột về sự sẵn sàng nhân lực hay nói cách khác là khả năng của nguồn nhân lực sẽ là yếu tố chính để thúc đẩy và cung cấp các sáng kiến tiếp cận ​​ Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Trụ cột về cấu trúc và quản lý: cấu trúc là hệ thống các quy tắc và chính sách rõ ràng, trong đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm được phân công, kiểm soát và phối hợp. Cấu trúc ảnh hưởng đến cách các nhóm hành động và tương tác và cách thực hiện nhiệm vụ ​​để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.

 

 

 

Nhà máy sản xuất ôtô VinFast (Tập đoàn Vingroup) được xây dựng dựa trên nhiều công nghệ 4.0, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ. (Ảnh: TTXVN)

 

Sử dụng chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong doanh nghiệp

 

Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp xác định thời điểm bắt đầu, cách thức mở rộng quy mô của doanh nghiệp và xây dựng chiến lược, kế hoạch để doanh nghiệp duy trì tăng trưởng. Tiếp cận chỉ số sẵn sàng sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu các khái niệm quan trọng và xây dựng một ngôn ngữ chung để điều chỉnh, tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp; xây dựng một chiến lược, kế hoạch tiếp cận, chuyển đổi toàn diện và lộ trình thực hiện, cụ thể:

 

Giúp doanh nghiệp tìm hiểu các khái niệm quan trọng và xây dựng một ngôn ngữ chung để điều chỉnh, tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0

 

Sự hiểu biết thấu đáo về các khái niệm quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp một nền tảng vững chắc thực hiện việc chuyển đổi để điều chỉnh, tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số sẵn sàng tiếp cận nhằm mục đích giúp doanh nghiệp củng cố kiến ​​thức về Cách mạng công nghiệp 4.0 theo hai cách.

 

Thứ nhất, kiểm tra sự am hiểu của doanh nghiệp về các khái niệm cốt lõi và các nguyên tắc cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua ba trụ cột cốt lõi, tám trụ cột chính về Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận giúp doanh nghiệp trang bị kiến ​​thức về các nguyên tắc, khái niệm và công nghệ chính; tổng quan về lợi ích và giá trị kinh doanh mà Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cách thức, lộ trình tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 theo hiện trạng và tiềm lực của doanh nghiệp.

 

Thứ hai, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận nhằm mục đích thiết lập một ngôn ngữ chung giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái chuyển đổi Cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp một bộ thuật ngữ, định nghĩa và tiêu chuẩn hóa thống nhất, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận thiết lập sự hiểu biết chung giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các bên liên quan thực hiện giao tiếp hiệu quả hơn bên trong và ngoài tổ chức (với đối tác, khách hàng…). Ngôn ngữ chung cũng giúp các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ tương tác hiệu quả hơn với các nhà sản xuất, qua đó xác định các “khoảng trống”, các ưu tiên và lộ trình chuyển đổi toàn diện của doanh nghiệp.

 

Đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0

 

Tìm hiểu các khái niệm quan trọng về Cách mạng công nghiệp 4.0 là bước đầu tiên và thiết yếu. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược chuyển đổi hiệu quả để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp phải xác định hiện đang ở đâu trước khi xác định sẽ làm những gì và làm thế nào để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, để giúp các doanh nghiệp tiến hành đánh giá toàn diện về hiện trạng cần xác định ba vấn đề sau:

 

Đánh giá cái gì? Doanh nghiệp cần xác định phạm vi đánh giá và có thể chọn đánh giá toàn bộ cơ sở sản xuất hoặc đánh giá theo từng mô-đun, bộ phận độc lập của doanh nghiệp. Việc đánh giá theo từng mô-đun, bộ phận độc lập đặc biệt phù hợp với doanh nghiệp có quy mô lớn, sở hữu nhiều nhóm sản phẩm, trong đó, mỗi nhóm có thể khác nhau hoặc có quy trình riêng biệt. Tuy nhiên, sau khi đánh giá theo từng mô-đun, bộ phận độc lập, doanh nghiệp cần đánh giá toàn bộ cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

 

Ai đánh giá? Sau khi xác định phạm vi đánh giá, doanh nghiệp cần xác định các bên liên quan sẽ tham gia. Doanh nghiệp cần thành lập một nhóm (tổ) chuyên trách gồm các bên liên quan tham gia đánh giá để bảo đảm tính chất toàn diện của Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Phương thức đánh giá? Qua quá trình đánh giá, doanh nghiệp sẽ thấy rằng, đối với các tham số nhất định, hiện trạng của doanh nghiệp sẽ khó có thể được thể hiện đầy đủ trong một mức độ. Trong những trường hợp như vậy, các chuyên gia tư vấn sẽ trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để đưa ra quyết định cuối cùng.

 

Tầm quan trọng và mức độ phù hợp của các trụ cột sẽ khác nhau, phụ thuộc vào từng nhu cầu và nguồn lực đầu tư của mỗi doanh nghiệp để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong quá trình đánh giá, các trụ cột ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số hiệu suất đánh giá chung (KPI) sẽ được ưu tiên cao hơn.

 

Xây dựng một chiến lược, kế hoạch tiếp cận, chuyển đổi toàn diện

 

Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 bảo đảm rằng tất cả các trụ cột cốt lõi, trụ cột chính và tham số của doanh nghiệp được xem xét, đánh giá. Trong đó, tầm quan trọng của mỗi tham số có thể khác nhau một cách tương đối. Do đó, doanh nghiệp cần đánh giá tất cả các tham số để bảo đảm rằng tất cả các chỉ số KPI của doanh nghiệp sẽ được tính toán, xem xét cụ thể.

Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cho doanh nghiệp mở rộng phạm vi các ý tưởng, sáng kiến ​​chuyển đổi hiện tại hoặc trong tương lai. Bằng cách cung cấp các định nghĩa và mô tả rõ ràng về các mức độ chuẩn đối với 16 tham số, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 xác định rõ mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp được cung cấp các hướng dẫn thực tế để đi đến mục tiêu này. Chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 hướng dẫn cải tiến từng bước, “phá vỡ giai đoạn trung gian, quá độ” của hành trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, Chỉ số sẵn sàng tiếp cận cũng cho phép các doanh nghiệp xác định một cách có hệ thống các sáng kiến ​ và cơ cấu các kế hoạch thực hiện với các giai đoạn, mốc thời gian và mục tiêu rõ ràng.

 

Sau khi xây dựng sáng kiến ​​chuyển đổi để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần có kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống và quy trình phù hợp với chiến lược. Đồng thời, doanh nghiệp cần xác định các giải pháp tối ưu để đạt được các mục tiêu, kết quả theo từng giai đoạn ​​khác nhau trong chiến lược. Các chiến lược chuyển đổi, tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải thích ứng và phát triển liên tục cùng với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, các nhóm chuyên trách của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến trình, đánh giá tác động và xác định các cơ hội cải tiến trong tương lai.

 

 

Nguồn: tcvn.gov.vn

Số lượt đọc: 3668

Về trang trước Về đầu trang