Hoạt động theo mô hình đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận, VinUni được đầu tư 6.500 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup, trong đó 3.500 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỷ đồng dành để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành cho 10 năm đầu tiên...
VinUni có diện tích 23 ha, gồm 9 khối nhà, bảo đảm tối ưu trải nghiệm việc giảng dạy và học tập cho quy mô 3.500 sinh viên. Các phòng học, giảng đường đều được thiết kế linh hoạt, nhiều ánh sáng, nhiều không gian mở, nhằm khơi dậy sự hợp tác, sáng tạo của giảng viên và sinh viên. Thư viện kỹ thuật số rộng 4.000m2với nguồn tài liệu khổng lồ, hoạt động 24/7. Ký túc xá có diện tích lớn theo mô hình: Cùng học, cùng sống, cùng làm việc; với đầy đủ căng tin, phòng y tế, khu tự học, các cửa hàng tiện ích và không gian thư giãn sau giờ học. Khu liên hợp thể thao có nhà thể thao diện tích 4.000 m2, gồm bể bơi trong nhà chuẩn Olympic kích thước 50mx20m, sân bóng, phòng gym và khu thể dục đa năng; sân vận động và khu thể thao ngoài trời. Khuôn viên xanh, thông minh và tiết kiệm năng lượng với tỉ lệ 86% là cây xanh, nhiều vườn trên cao và toàn bộ 1.000 m2trên mái tòa nhà thí nghiệm là tấm lợp pin mặt trời. Hệ thống cơ sở vật chất của VinUni được xây dựng theo các tiêu chuẩn QS 5 sao của Quacquarelli Symonds - tổ chức kiểm định giáo dục hàng đầu thế giới.
Lãnh đạo VinUni đặt mục tiêu lọt vào tốp 50 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới với sự hợp tác chặt chẽ với hai trường đại học tinh hoa hàng đầu thế giới là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania.
Cơ chế tuyển sinh, đào tạo và đánh giá sinh viên của VinUni tuân thủ theo mô hình đại học tinh hoa trên thế giới, với các chuẩn mực cao của quốc tế. Sinh viên VinUni sẽ học tập theo các chương trình tiên tiến nhất, dựa trên các nền tảng chuẩn mực quốc tế tốt nhất, có điều chỉnh để phù hợp với môi trường Việt Nam.
Niên khóa 2020 - 2021, Đại học VinUni sẽ đón khoảng 300 sinh viên thuộc 3 nhóm ngành chính: Kinh doanh Quản trị, Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Khoa học sức khỏe. Đây đều là những nhóm ngành có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực trình độ cao tại Việt Nam và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh đầu tư cho khoa học, giáo dục là tầm nhìn sáng suốt của mọi quốc gia. Chúng ta rất cần thể hiện tầm nhìn đó bằng những hành động. Từ trước tới nay, dù rất khó khăn, nhưng Nhà nước cố gắng dành nhiều sự quan tâm và đầu tư cho khoa học, giáo dục. So với các nước có cùng trình độ phát triển thể giới, giáo dục của Việt Nam được đánh giá có những điểm tốt hơn rất rõ nét. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ so với yêu cầu phát triển để đất nước bứt lên được, thực sự sớm “sánh vai cùng bè bạn năm châu” thì chúng ta còn phải cố gắng hơn rất nhiều.
Những năm gần đây, các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư cho giáo dục, khoa học. Đến nay, trong giáo dục đại học đã có 25% số trường thuộc loại hình tư thục, dân lập. Có những trường đại học tư thục được đầu tư quy mô lớn, có sơ sở vật chất hiện đại hơn nhiều so với các trường công lập. Đặc biệt, một số DN thành công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đại học, nghiên cứu khoa học, trong đó có Tập đoàn Vingroup.
Phó Thủ tướng mong muốn tinh thần, trách nhiệm này sẽ được nhân rộng. Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều DN, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho giáo dục, khoa học. “Điều đó không chỉ tốt cho mình, DN của mình mà còn là trách nhiệm đối với xã hội, tương lai đất nước”, Phó Thủ tướng nói.