Tin KHCN nước ngoài
Một số thành tựu nổi bật trong công nghệ sinh học năm 2019 (10/01/2020)
-   +   A-   A+   In  

Khả năng phục hồi các tế bào não của lợn khi được đặt trong hệ thống BrainEx mở ra những hi vọng cho việc nghiên cứu não người.

Các nhà khoa học đã hồi phục thành công chức năng tế bào cho 32 bộ não lợn đã chết được vài tiếng. Điều này làm dấy lên hy vọng cho các phương pháp trị bệnh về não ở người. Công bố hôm 17/4 trên Journal Nature, các nhà nghiên cứu khoa Y Đại học Yale cho biết đã phát minh ra hệ thống gọi là BrainEx, có thể phục hồi tuần hoàn oxy cho một bộ não đã chết. Nhóm nghiên cứu cho hay họ mua lại đầu từ những con lợn đã bị giết để lấy thịt. Bộ não lợn lúc này chắc chắn đã chết vì không cho thấy bất kỳ dấu hiệu hoạt động thần kinh nào. Một nhóm nghiên cứu người Mỹ hồi sinh bộ não của lợn đã chết bằng cách bơm vào não một chất lỏng giàu dinh dưỡng và oxy để bắt chước máu. Họ phát hiện hầu hết các phần của bộ não khôi phục chức năng trao đổi chất. Cụ thể, tế bào não lợn đã lấy oxy và glucose, chuyển chúng thành các chất chuyển hóa như carbon dioxide. Đây là những biểu hiện thông thường ở các tế bào não còn sống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không cố gắng khôi phục ý thức của con vật - họ thêm các hợp chất ngăn chặn tín hiệu thần kinh vào máu nhân tạo trước khi thí nghiệm bắt đầu.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học Trung Quốc nuôi thành công phôi khỉ trong một đĩa thí nghiệm gần ba tuần - lâu hơn phôi linh trưởng từng được phát triển trong phòng thí nghiệm trước đây. Thành công này đặt ra câu hỏi liệu phôi người nuôi trong phòng thí nghiệm có được phép phát triển sau 14 ngày hay không. Hiện nay, hầu hết các quốc gia quy định phôi người nuôi cấy trong phòng thí nghiệm phải bị phá hủy trước 14 ngày để nó không đủ thời gian phát triển hệ thần kinh trung ương. Thành công này là cơ sở để tiến gần đến mục tiêu nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật.

Vào tháng 9/2019, một nhóm nghiên cứu của Mỹ tìm ra cách phát triển phôi người từ tế bào gốc. Phôi nhân tạo dường như bắt chước sự phát triển ban đầu của phôi người thật. Việc có nên cho phép phát triển phôi nhân tạo đến các giai đoạn sau hay không là một cuộc tranh luận về mặt đạo đức đang diễn ra và chưa có hồi kết.

Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS). Trong tháng 9/2019, các nhà khoa học tại Đại học Osaka sử dụng loại tế bào gốc này tạo ra giác mạc có thể dùng để cấy ghép cho một người phụ nữ bị suy giảm thị lực. Một nhóm nghiên cứu khác tại Đại học Keio được Bộ Y tế Nhật Bản chấp thuận sử dụng tế bào gốc iPS như một liệu pháp điều trị chấn thương cột sống.

Nguồn: www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4492

Về trang trước Về đầu trang