Tin KHCN nước ngoài
Cơ hội mở rộng xuất khẩu rau quả vào EU (03/01/2020)
-   +   A-   A+   In  

EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng EU ưa chuộng và nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này gồm: Bơ, xoài và khoai lang. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho rau quả Việt xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, đây là một thị trường rất khắt khe về an toàn thực phẩm. Đáp ứng yêu cầu của thị trường, có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu là vấn đề mà doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng.   

 

Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, EU chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. 5 trong số 10 nước nhập khẩu hàng rau quả hàng đầu thế giới là ở EU. Sản xuất nông nghiệp mặc dù là một ngành cơ bản, nhưng số lượng trang trại rau quả ở EU đang giảm. Nông dân EU lựa chọn sử dụng công nghệ và phát triển giống để tăng năng suất, kéo dài mùa sản xuất và cải thiện chất lượng và đặc tính sản phẩm. Những nỗ lực này khiến chất lượng sản phẩm cao hơn, nhưng sản lượng hầu như không tăng. Do đó, sản lượng trái cây tại EU trong dài hạn có xu hướng giảm nhẹ. Sản lượng trái cây trong khối giảm, góp phần tạo ra nhu cầu nhập khẩu trái cây. Trong khoảng 5 năm gần đây, tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU đã tăng nhanh hơn so với lượng xuất khẩu, lần lượt xấp xỉ ở mức 30% và 24%, do nhập khẩu trái cây có giá trị cao như bơ, xoài và chanh tăng.

 

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại EU gồm: Bơ, xoài và khoai lang. Việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Trị giá nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển tăng 55% từ năm 2014 đến năm 2018. Hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp vào EU thông qua Hà Lan.

 

Cục Xuất Nhập khẩu khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU. Bên cạnh đó, để xuất khẩu được rau quả tươi vào thị trường EU doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý: Phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm; tuân thủ xã hội, môi trường và kinh doanh. Doanh nghiệp có thể cập nhật danh sách đầy đủ các yêu cầu pháp lý tại cổng thông tin trợ giúp thương mại của EU (EU Trade Helpdesk).

 

Đánh giá về thị trường này, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặt hàng rau quả xóa bỏ 100% dòng thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với xuất khẩu cung không hề nhỏ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng; cam kết FTA không giúp gỡ bỏ hay giảm bới các TBT, SPS…. Bên cạnh đó là những thách thức từ nội tại của trái cây Việt như sức cạng tranh ở các khía cạnh phi cam kết gồm: chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

 

An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực thực phẩm ở EU. Hầu hết người mua đều yêu cầu có sự bảo đảm thêm từ người bán dưới dạng chứng nhận. Theo đó, tất cả người mua trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thương nhân, nhà chế biến thực phẩm và nhà bán lẻ yêu cầu triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát quan trọng (HACCP).

 

Theo TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bên cạnh những thuận lợi do EVFTA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp rau quả Việt phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.

 

Hàng hóa xuất khẩu muốn được hưởng ưu đãi về thuế, phi thuế hay hạn ngạch như theo cam kết thì cần phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay: EVFTA trong một số trường hợp có quy định chặt chẽ hơn CPTPP. Tuy nhiên, việc các quy định về chỉ dẫn địa lý được quy định chi tiết hơn trong EVFTA mở ra cơ hội để sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.

 

Nguồn: Congthuong.vn

Số lượt đọc: 4385

Về trang trước Về đầu trang