Tin KHCN trong nước
Nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi Nhà nước có chính sách song hành cùng doanh nghiệp (12/12/2019)
-   +   A-   A+   In  

Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong quá trình phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đất nước. Đặc biệt khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh và tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Từ kết quả của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia cho thấy, nhiều chính sách ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ.

Theo công bố năm 2017 của Ngân hàng thế giới sau khi tiến hành khảo sát gần 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam (trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ”) cho thấy, với những chính sách quản lý phù hợp, các hoạt động đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ đã có những chuyển biến mạnh mẽ với tỷ lệ các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ tăng lên cả về lượng (tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới vào khoảng 23%) và chất (số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có chi cho hoạt động R&D, hoặc là nghiên cứu nội bộ, hoặc thuê hợp đồng nghiên cứu ngoài tăng lên với tổng mức đầu tư vào khoảng 1,6% doanh thu so với 0,5% giai đoạn trước).

 

Thực tế trong thời gian qua, cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ đã được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để KH&CN thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất đã khẳng định, “đây là một giải pháp mang tính đột phá”.

 

Tạo đòn bẩy bằng chính sách

 

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, với mục đích phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, nhân lực quản lý nhằm thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến.

 

Chương trình có nhiều nội dung, tập trung xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, bao gồm các hoạt động chính như hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia. Việc đổi mới công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả và năng suất lao động, đồng thời tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ thị trường.

 

Việc triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia hiện nay được thực hiện theo các văn bản chung bao gồm: Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Quyết định 677/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Thông tư số 09/2013/TT-BKHCN ngày 15/3/2013 của Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 79/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý tài chính Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

 

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã xác định “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” thực hiện các hoạt động đổi mới. Do đó, các dự án của Chương trình đã tập trung vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến và tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

 

Hỗ trợ nhiều đề xuất thiết thực của doanh nghiệp

 

Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia triển khai.

Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, Chương trình đã nhận được hơn 300 đề xuất. Trên cơ sở xác định các lĩnh vực và định hướng ưu tiên, các Bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn được 58 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, 64% số đơn vị trực tiếp chủ trì nhiệm vụ là các doanh nghiệp, huy động được 1.320 tỷ đồng vốn đối ứng (chiếm 70% tổng kinh phí). Các nhiệm vụ được triển khai tại hơn 20 tỉnh thành, thuộc hơn 50 lĩnh vực công nghệ khác nhau, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương. Phần lớn các nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp chủ trì kết hợp cùng các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia công nghệ để đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới với sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự gắn kết này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

 

“Ngoài ra, các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ; hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ; năng suất lao động trung bình tăng 2,4 lần; khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên gấp khoảng 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước”, ông Tạ Việt Dũng cho hay.

 

Trong ngành nông nghiệp, có thể thấy rõ hiệu quả tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, Viện đã tạo thành công 06 giống lúa thuần có khả năng chịu mặn và hạn, với năng suất và chất lượng tương đương các giống chất lượng cao, đặc biệt chịu được mặn ở mức 6 ÷ 8‰ (các giống lúa chịu mặn hiện chỉ chịu được đến ngưỡng 4‰), thời gian chịu hạn không dưới 30 ngày, phục vụ canh tác trên diện tích bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã được công nhận là giống quốc gia. Đặc biệt 2 trong 6 giống mới này đã vượt qua những đợt ngập mặn và hạn hán kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015 và 2016, sản lượng và chất lượng gạo đảm bảo. Các giống lúa thuần mới sẽ góp phần đáng kể giải quyết bài toán của gần 150.000 ha ngập mặn và trên 30.000 ha canh tác bị hạn hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thông qua dự án đổi mới công nghệ để sản xuất giống rau, Công ty TNHH Việt Nông đã chọn tạo thành công 12 giống rau màu điển hình đạt chuẩn giống quốc gia từ hơn 3.000 giống cây rau màu ở Việt Nam, từ các nước trong khu vực và thế giới. Kết quả của dự án không chỉ đóng góp vào tăng trưởng của doanh nghiệp (10%/năm), mà còn giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa giống rau màu trên thị trường thêm hơn 12 %.

 

Đối với lĩnh vực thủy- hải sản, một ví dụ điển hình về đổi mới công nghệ là Tập đoàn Sao Mai khi đầu tư nghiên cứu thành công để đổi mới và làm chủ công nghệ tinh luyện mỡ cá Tra, giúp tạo ra sản phẩm dầu ăn chất lượng cao, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sản phẩm bước đầu đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu về tiêu chuẩn cao như Dubai, Singapore, Hàn Quốc.., giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, tăng giá trị cá Tra thêm 4,67%.

 

Trong lĩnh vực này con có Công ty CP Việt Nam Food với dự án đổi mới công nghệ sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm để tạo ra chitosan và các sản phẩm từ phụ phẩm tôm có chất lượng cao đã giúp doanh nghiệp tận thu tối đa nguyên liệu, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm chitosan được sản xuất ra có giá thành giảm 25 ÷ 30% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

 

Về lĩnh vực công nghiệp, Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã đã làm chủ được quy trình chế tạo và lắp đặt thành công hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ với tỷ lệ nội địa hóa 90%, cải tiến công đoạn sấy giúp giảm tổn thất lúa gạo sau thu hoạch, nâng thời gian bảo quản, góp phần chủ động việc dự trữ lúa gạo quốc gia. Đổi mới công nghệ đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hơn 3 lần, lợi nhuận tăng 10 lần, thị trường trong nước không ngừng mở rộng và bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là Campuchia và Myanma.

 

Cũng nhờ đổi mới thành công 4 nhóm công nghệ chủ yếu trong việc chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm (công nghệ nấu luyện biến tính hợp kim nhôm; công nghệ chế tạo đúc áp lực cao; công nghệ phần mềm tính toán; công nghệ xử lý bề mặt), Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên đã rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm 70% tỷ lệ hàng hỏng, năng suất tăng 30%, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Thông qua đổi mới từ kỹ thuật thiết kế đến công nghệ chế tạo lắp ráp và kiểm tra chất lượng, Công ty Cổ phần kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift) đã nâng cao năng lực gia công cơ khí chính xác, chế tạo hàng loạt cụm bánh xe di chuyển, cụm dầm cân bằng, khung xe chạy có chất lượng cao, ổn định. Tăng giá trị sản phẩm thêm 22%, năng suất tăng thêm 30÷40%, có khả năng đáp ứng 40% nhu cầu đầu tư phát triển các cảng biển trong nước.

 

Sẽ không thể liệt kê hết những kết quả đáng ghi nhận của các tập đoàn, doanh nghiệp khi đổi mới dây chuyền, thiết bị, công nghệ; đổi mới quy trình sản xuất để tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng chính là thành quả khi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn, cùng doanh nghiệp giải bài toán khó về vốn cho công nghệ.

 

Nguồn: Chương trình 2075

Số lượt đọc: 660

Về trang trước Về đầu trang