Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đo đặc tính quản lý ẩm của vải theo tiêu chuẩn AATCC 195 (11/12/2019)
-   +   A-   A+   In  

Quản lý ẩm là một trong những đặc tính quan trọng của hàng may mặc hiện nay, nhất là đối với hàng thể thao, bảo hộ. Quản lý ẩm của vải được định nghĩa là khả năng vận chuyển mồ hôi ra khỏi da đến bề mặt bên ngoài của quần áo. Hoạt động này ngăn mồ hôi đọng lại trên da, làm mát cơ thể. Trong điều kiện môi trường nóng, mồ hôi bị đọng lại làm cơ thể tự không làm mát được, dẫn đến cảm giác nóng bức gây mệt mỏi hoặc giảm hiệu suất làm việc cho người mặc. Trong điều kiện lạnh, mồ hôi đọng lại sẽ giảm nhiệt độ cơ thể, gây lạnh và làm hạ thân nhiệt. Mồ hôi đọng lại quá cao gây cảm giác ẩm ướt không thoải mái hoặc có thể gây kích ứng da.

Mồ hôi được vận chuyển từ cơ thể ra bên ngoài môi trường ở hai dạng: dạng hơi và dạng lỏng. Khi trời mát và nhịp độ hoạt động thấp cơ thể tạo mồ hôi chủ yếu dạng hơi ẩm. Khi trời nóng hoặc nhịp độ hoạt động cao cơ thể sẽ toát mồ hôi chủ yếu dạng lỏng.

 

Để xác định lượng thoát ẩm đi qua quần áo đòi hỏi phải có thiết bị chuyên dụng, xác định thời gian thấm, tốc độ thấm, bán kính thấm, khả năng vận chuyển ẩm một chiều của từng loại vải dệt từ đó phân cấp năng lực quản lý ẩm của từng loại vải dệt theo 5 cấp độ, từ cấp 1 đến cấp 5, với cấp 5 là cấp tốt nhất.

 

Để có thiết bị chuyên dụng đo năng lực quản lý ẩm của vải, đối với một số phòng LAB ngành dệt may hiện nay đã nhập máy của nước ngoài nghiên cứu chế tạo. Với trình độ cán bộ, kỹ sư của Việt Nam, hoàn toàn có thể nghiên cứu chế tạo được loại thiết bị này. Chính vì vậy, năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Phân Viện Dệt may tại Tp. Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Chất làm chủ nhiêm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đo đặc tính quản lý ẩm của vải theo tiêu chuẩn AATCC 195”.

 

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo được máy đo đặc tính quản lý ẩm của vải với một số ưu điểm nổi bật:

- Thứ nhất: Buồng thao tác nằm hoàn toàn bên ngoài thuận tiện cho việc thao tác và quan sát quá trình đo

- Thứ hai: Nâng hạ ngàm đo trên theo phương thẳng đứng (vuông góc với mẫu), đảm bảo mẫu không bị nhăn và dịch chuyển mẫu khi hạ ngàm kẹp trên.

- Thứ ba: Sử dụng bơm định lượng dung dịch, đảm bảo khối lượng dung dịch bơm chính xác và hoạt động ổn định.

- Thứ tư: Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu thiết lập phần mềm kiểm tra máy.

 

Máy đã được kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị với các kết quả chính xác. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức chạy mẫu so sánh đối chứng với máy do châu Âu sản xuất với kết quả hoàn toàn tin cậy.

 

Việc chế tạo thành công máy đo đặc tính quản lý ẩm của vải dệt sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao, đồ bảo hộ, quần áo trong môi trường vận động nâng cao được chất lượng sản phẩm, chủ động sản xuất và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật… góp phần phát triển ngành dệt may Việt Nam.

 

*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14843/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 2737

Về trang trước Về đầu trang