10 nhóm dịch vụ trên hỗ trợ và phục vụ nhu cầu cần thiết trong gia đình đã được nhóm nghiên cứu tìm hiểu, xây dựng và phát triển như sửa chữa thiết bị gia đình, xây dựng điện nước, sân bay đường dài hoặc các vấn đề về y tế - sức khỏe... Tất cả những nhu cầu thiết yếu đó đều được tìm kiếm dễ dàng trên một giao diện tiện dụng và hiện nay, có khoảng 2.000 nhà cung cấp cho 10 dịch vụ trên, luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng ngay khi sử dụng app Rada bằng thiết bị điện tử thông minh (smartphone, máy tính bảng...). Cái tên Rada cũng thể hiện hàm ý đó. Chỉ cần bật 1 ứng dụng như 1 đầu thu sóng, Rada sẽ tìm kiếm giúp khách hàng những địa chỉ thực. Mục đích của Rada là trở thành một “thợ tốt” quanh bạn (thợ tốt nhất có thể tìm ở Hà Nội nhưng tốt nhất ở gần bạn thì Rada sẽ có câu trả lời)” anh Mã Hoàng Hải giới thiệu với tôi về Rada như vậy.
Ý tưởng hình thành mạng lưới Rada như hiện nay bắt đầu từ “Một lần tình cờ đi xe máy trên đường, mình bị hỏng xe và phải dắt xe tìm cửa hàng sửa chữa rất lâu, vô cùng khó khăn mới thấy. Trong lúc chờ đợi, mình quan sát thấy các nhân viên cửa hàng cũng đi sửa cho những khách hàng khác trên đường. Mình nghĩ giá như các nhân viên này cũng đến sửa cho mình tại chỗ mình bị hỏng lúc nãy thì hay quá, không phải dắt bộ mệt mỏi và lãng phí thời gian. Mình ngồi nói chuyện với anh quản lý cửa hàng rằng có thể làm ứng dụng để biết người bị hỏng xe ở đâu để nhanh chóng đến giúp sửa chữa. Sau khi nghe, anh quản lý hoàn toàn rất thích và ủng hộ, cho rằng nếu làm được thì tuyệt vời” anh Tạ Quang Thái chia sẻ.
Thời điểm đó, kinh tế chia sẻ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với sự tham gia của các hãng lớn như Uber, Grab... Các nền tảng tương tác với người dùng cũng rất mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Và sự xuất hiện của Rada là tất yếu. Từ sự tình cờ sau buổi hỏng xe, cuối năm 2015 đầu năm 2016, Mã Hoàng Hải cùng với Tạ Quang Thái và một số bạn bè đã tập hợp, vận dụng những hiểu biết, kinh nghiệm của mình để xây dựng một công cụ thiết thực với người sử dụng, một công cụ kết nối chuyên nghiệp, uy tín giữa yêu cầu của các gia đình với các nhà cung cấp dịch vụ, giúp đơn giản hóa việc tìm kiếm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khi Rada hình thành, cả Mã Hoàng Hải và Tạ Quang Thái đều đã ngoài 40 tuổi và là những người rất thành đạt trong lĩnh vực CNTT, có vị trí nhất định và mức lương đáng mơ ước. Tuy đã có những thành công nhưng hai anh luôn suy nghĩ phải kiếm tìm cái gì đó mang lại hiệu quả cho đông đảo người dùng.
Được hỏi về những khó khăn khi khởi nghiệp ở độ tuổi cũng không còn trẻ, anh Mã Hoàng Hải cho biết: “Trong khởi nghiệp có câu “Muốn những thứ chưa từng có thì phải làm những việc chưa từng làm”. Khởi nghiệp với chúng mình cũng như vậy, khi mong muốn mang một mô hình mới, một giá trị mới, dịch vụ mới và trải nghiệm mới cho người dùng. Khởi nghiệp khi độ tuổi không còn trẻ cũng có những khó khăn như sức khỏe, khả năng nắm bắt công nghệ, nhưng với mình để khắc phục thì cần phải học hỏi và thay đổi chính mình, nỗ lực làm những công việc trước đây mình chưa làm như tiếp cận, gặp gỡ khách hàng, trao đổi và hỗ trợ đối tác”.
Rada phiên bản hiện nay đã trải qua nhiều lần cải tiến kể từ phiên bản đầu ra mắt bởi mỗi một phiên bản bên cạnh ưu điểm của nó đều có những thiếu sót, (những đơn vị cung ứng sửa chữa xe máy lúc bấy giờ chưa sẵn sàng, thiếu điều kiện cũng như những ràng buộc để đồng hành cùng Rada trong việc cung cấp, sửa chữa và bảo hành). Đó cũng là những lần thất bại của Rada khi mới chỉ nắm được nhu cầu của khách hàng mà chưa có nguồn cung phù hợp.
Anh Mã Hoàng Hải cũng trải lòng: “95% startup thất bại là làm ra thứ thị trường không cần. Rada cũng vậy, khi mình làm ra mà thị trường không ai dùng thì sự tồn tại của Rada cũng cần đặt dấu hỏi ? Vì vậy, Rada luôn tôn trọng thị trường, đối tác, khách hàng của mình, bằng mọi khả năng của mình đáp ứng, phục vụ nhu cầu của họ”.
Đã nhiều lần vấp ngã thời trai trẻ cũng là ngần ấy lần các anh phải đứng dậy. Dù vậy, khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ nhưng bản lĩnh đương đầu với khó khăn được tôi rèn, những thất bại trước đây của Rada đối với Mã Hoàng Hải và Tạ Quang Thái không phải là rào cả mà được coi là thử nghiệm để cho ra đời một Rada hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn.
Rada hôm nay thực sự là cánh tay đắc lực của các gia đình, đặc biệt là cho những người phụ nữ luôn bận bịu với công việc trong khi quỹ thời gian cho gia đình lại khá khiêm tốn. Hơn thế nữa, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng có thêm một kênh bán hàng thuận tiện và hiệu quả cho mình. Để có thể được lựa chọn, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí mà Rada đặt ra như có trên 5 năm kinh nghiệm, có trên 10 kỹ thuật viên và có hậu mãi, bảo hành từ 3-6 tháng,... Ngược lại, khi sử dụng ứng dụng của Rada, các trung tâm dịch vụ ngoài việc có thêm nguồn khách hàng với chi phí tìm kiếm tối ưu, tiết kiệm hơn thì những phản hồi của khách hàng cũng giúp cho các đơn vị cung ứng điều khiển hoạt động kinh doanh của mình để khách hàng có những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng dịch vụ tại trung tâm dịch vụ cũng như trên ứng dụng của Rada.
Với những tính năng đơn giản nhưng hết sức thiết yếu cho cuộc sống hôm nay, Rada đã nhận được gói hỗ trợ trị giá 40.000 USD với các công cụ, dịch vụ miễn phí từ Facebook và hơn 30 đối tác của Facebook như Amazon, Fni, Mailstream... để xây dựng, phát triển và gia tăng khách hàng. Hiện tại, ứng dụng Rada đã có trên 200.000 lượt tải về trên IOS và Android với 30% lượng người dùng đăng ký, gần 20.000 đơn hàng giao dịch thành công/tháng tập trung vào sửa chữa thiết bị gia đình.
Đặc biệt, năm 2017 ứng dụng Rada đã giành giải Nhì trong hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, báo điện tử Dân trí phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT đồng tổ chức.
Mục tiêu của Rada trong những năm 2019 và những năm tới là triển khai rộng khắp các thành phố ở Việt Nam, không chỉ là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà còn vươn ra các nước trong khu vực châu Á.