Theo chia sẻ của hai nhà hóa học Jayashree Arcot và Martina Stenzel, khi trồng chuối, con người mới chỉ sử dụng 12% sinh khối trên cây chuối, đó là phần quả.
Phần còn lại của cây chuối (ví dụ như lá chuối, thân cây chuối) thường bị bỏ đi sau khi thu hoạch hoặc chỉ một lượng nhỏ số đó được dùng vào sản xuất hàng dệt hoặc phân ủ. Do hầu hết các bộ phận của cây chuối như thân, lá bị bỏ phí nên nguồn lợi từ việc trồng chuối không được tận dụng một cách tối đa.
Trước thực trạng trên, các nhàkhoa họcđã quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu từ Vườn bách thảo hoàng gia Sydney để sản xuất nanocellulose. Vì thân cây chuối có 90% nước, do đó chất thải rắn cuối cùng được giảm xuống còn 10%. Họ mang thân cây đến phòng thí nghiệm và cắt nó thành từng mảnh, sấy khô ở nhiệt độ rất thấp trong lò và sau đó nghiền thành bột rất mịn.
Những bộ phận bỏ đi ở cây chuối sẽ là nguyên liệu tuyệt vời để sản xuất ra sản phẩm có khả năng thay thế túi nilon. Ảnh minh họa
Loại bột này sau đó được rửa và xử lý hóa học. Kết quả là thu được nanocellulose, một vật liệu rất có giá trị với một loạt ứng dụng, có thể trở thành nguồn thay thế cho bao bì thực phẩm dùng một lần.
“Sẽ rất tốt nếu những người chủ có thể nói với nông dân hoặc người trồng chuối rằng những bộ phận tưởng chừng như phải vứt bỏ trên cây chuối có rất nhiều giá trị trong việc tạo thành một loại bột mà sau đó họ có thể bán chúng.
Ở đầu kia của chuỗi cung ứng, nếu các nhà sản xuất bao bì đầu tư máy móc của họ để có thể chế tạo thành túi và các vật liệu đóng gói thực phẩm khác, thì những vật liệu từ chuối có thể chứng minh chúng giúp cho bao bì thực phẩm bền vững hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng các công ty bao bì sẽ sẵn sàng hơn để sử dụng vật liệu này nếu họ biết rằng vật liệu này có sẵn”, Giáo sư Arcot nói.
Hiện tại, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu để phát triển các vật liệu mới từ chất thải ở các đồn điền trồng bông và lúa.