Tin KHCN trong nước
Truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code: 'Bảo bối' chặn hàng kém chất lượng (10/12/2019)
-   +   A-   A+   In  
Theo các chuyên gia, việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ QR Code sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát hàng hóa đưa vào thị trường diễn ra minh bạch, rõ ràng.

Nhiều lợi ích khi ứng dụng QR Code

Công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) dù mới được ứng dụng phổ biến trong vài năm trở lại đây nhưng đã chứng minh là bước đột phá lớn thay thế cho mã vạch truyền thống. Đó là nhờ khả năng lưu giữ lượng thông tin lớn gấp hàng trăm lần với nhiều định dạng ký tự khác nhau.

Người dùng có thể tự do quét QR Code từ bất cứ nơi nào, tại bất kỳ khoảng cách và vị trí nào. Với khả năng có thể phục hồi từ 30 đến 35% dữ liệu trong trường hợp bị vấy bẩn, bị hỏng, công nghệ QR Code giúp khắc phục được hoàn toàn những hạn chế của mã vạch truyền thống.

Khả năng bảo mật thông tin tuyệt đối cũng là một trong những lý do giúp thanh toán qua QR Code ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, khi lựa chọn hình thức thanh toán này, khách hàng không cần nhập các thông tin cá nhân như số tài khoản, số thẻ… vốn được coi là những thông tin rất dễ bị các hacker khai thác.

Thay vào đó, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét qua QR Code. Khi đó, phần mềm sẽ đọc và hiển thị các thông tin đã được mã hóa theo quy định, qua đó nâng cao tính an toàn cho khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, thanh toán qua QR Code giúp người dùng di động tiết kiệm thời gian giao dịch và đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của thông tin do không phải nhập dữ liệu so với Internet Banking hay Mobile Banking thông thường.

Xét dưới góc độ của doanh nghiệp, tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bí quyết gia tăng hiệu quả truyền thông và bán hàng trong thời buổi hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan gây ra tâm lý lo ngại đến người tiêu dùng.

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ QR Code sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát hàng hóa đưa vào thị trường diễn ra minh bạch, rõ ràng, qua đó hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường. Từ đó giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.

Cùng chia sẻ về việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, để đối phó với nạn hàng giả, Bộ đang yêu cầu các sở khoa học và công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đối với tất cả loại hàng hóa.

 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.527 các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn Thành phố (tăng 543 cơ sở so với cuối năm 2018).

Theo đó, đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 495 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn, với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.900 mã sản phẩm (tăng 2.700 mã sản phẩm so với cuối năm 2018).
 

Việc này không chỉ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ người tiêu dùng, mà còn xuất phát từ thực tế, nhiều sản phẩm của Việt Nam không xuất khẩu được do chưa triển khai việc truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc chống hàng giả, gian lận thương mại, một phần do nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các biện pháp chống hàng giả cũ, trong khi đó công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Bộ đã chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai các công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện tại, có một số giải pháp tem chống hàng giả, hàng nhái đang được đưa vào áp dụng như công nghệ QR code, công nghệ nước, công nghệ phát sáng, chỉ hologram, số nhảy… Trong đó, tem chống giả điện tử QR code được xem là giải pháp toàn diện dành cho doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
 
 

Cần khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng mã số mã vạch

Hiện nay, mặc dù đã có một số mô hình mã số mã vạch nhưng số doanh nghiệp, số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ mã số mã vạch vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thấp.

Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Khó khăn trước hết là nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các biện pháp chống hàng giả bằng phương pháp cũ, trong khi đó công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của cơ quan chức năng cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn mang tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ.

Ông Khuê cho rằng, ngoài việc Nhà nước có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tạo dựng thương hiệu và ứng dụng MSMV để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ đó người tiêu dùng mới yên tâm và tin tưởng với sản phẩm mà mình mua.

"Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ QR Code, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cùng một phần mềm nhưng check được sản phẩm này nhưng lại không check được sản phẩm kia vì thiếu đồng bộ. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có quy định thống nhất về hình thức, nội dung đối với tem truy xuất nguồn gốc để không nhầm lẫn với các dấu hiệu khác trên sản phẩm. Đồng thời, quy định thống nhất về kích thước, chất lượng tem, về các giải pháp đọc tem truy xuất nguồn gốc; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc”, ông Trần Giang Khuê nói.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Trọng Hữu, Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng kinh doanh gas thu lợi bất chính bằng cách giả các nhãn hiệu lớn, uy tín, hoán cải bình gas, chiếm giữ bình gas trái pháp luật. Dù công tác kiểm tra xử lý hành vi vi phạm ngày càng tăng nhưng không xuể vì đối tượng gian lận có rất nhiều mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng.

Do đó, theo đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, để tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận thương mại trong kinh doanh gas, cần phải xây dựng và ban hành Thông tư về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm kinh doanh gas. Đánh chú ý, việc thu gom vỏ bình gas, sang chiết, nạp trái phép… là hành vi vi phạm phổ biển nhất hiện nay, cần phải tịch thu bình gas vi phạm trả lại chủ sở hữu.

Ngoài ra, còn một cách có thể tiến hành quản lý thị trường gas để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Đó là truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là sử dụng QR Code để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ.

Khi đó, chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng xem bình gas sử dụng trong gia đình có phải hàng sở hữu chính hãng hay không, tương tự như truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản đang được áp dụng khá rộng rãi hiện nay.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2988

Về trang trước Về đầu trang