Theo kế hoạch, ở thành phố thông minh Sejong, quyền sở hữu ô tô tư nhân sẽ bị hạn chế, người dân sẽ chia sẻ xe điện nhỏ gọn hoặc sử dụng xe bus tự lái để di chuyển hàng ngày. Các bệnh viện riêng lẻ sẽ cùng kết nối vào một mạng lưới, giúp thu thập dữ liệu y tế cá nhân và cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh theo nhu cầu của bệnh nhân dễ dàng hơn. Tại thành phố thông minh ở Busan, robot sẽ được triển khai để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của người dân.
Tổng thống Moon Jae-in thăm Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Busan (BEXCO) trong lễ công bố Chiến lược đổi mới của Thành phố thông minh Busan. Trong ảnh, ông đang thử một sàn công nghệ cao được thiết kế bởi công ty HNJ của Hàn Quốc, biến đổi động năng thành điện năng khi người dùng bước lên gạch có dấu chân.
Trước đó, vào tháng 3/2019, Chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc đã công bố dự án xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, thành phố Seoul sẽ đầu tư 1.400 tỷ Won (khoảng 1,24 tỷ USD) trong 4 năm tới để biến Seoul trở thành thủ đô dữ liệu. Thành phố này đặt mục tiêu đến năm 2022 lắp đặt 50.000 thiết bị cảm biến về Internet vạn vật kết nối trên toàn thành phố. Những thiết bị này sẽ thu thập các dữ liệu về môi trường đô thị cũng như đời sống người dân.
Cơ sở hạ tầng đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng thành phố thông minh tại Hàn Quốc, đó chính là hệ thống giao thông thông minh. Bến xe thông minh nằm trong mô hình thành phố thông minh ở thành phố Sejong của Hàn Quốc với 3 tiêu chí là hệ thống pin chạy bằng năng lượng mặt trời trên mái với những màn hình hiển thị về thời gian xe bus sẽ đến cũng như cửa bằng công nghệ cảm biến giúp hành khách có thể lên xe một cách an toàn. Đây chỉ là một trong những dịch vụ cơ bản, những tiện ích cơ bản của một mô hình thành phố thông minh, hiện đang được áp dụng tại nhiều thành phố trên thế giới.
Có 5 thứ mà người ta sẽ không thể thấy trên những đường phố tại Sejong, mặc dù rất phổ biến ở bất cứ thành phố nào trên thế giới. Đó là cột điện, rác, tường rào, biển quảng cáo và chỗ đỗ xe hơi bên lề đường. Lý do vì tất cả các hệ thống dây cáp điện, khí đốt, viễn thông liên lạc và hệ thống thu gom, xử lý rác đã được lắp đặt ngầm dưới lòng đất.
Tuy nhiên, nổi bật nhất có lẽ là Khu phức hợp chính quyền gồm 16 tòa nhà chính phủ được kết nối với nhau bằng những cây cầu trên cao tạo thành một mái nhà dài hơn 2km, từ trên cao nhìn xuống trông giống như một con rồng đang bay. Ở Sejong, các bậc bố mẹ có thể giám sát hoạt động đi lại của con mình và cha mẹ già thông qua các thiết bị nhận dạng tần sóng radio. Tuy nhiên, trong một xã hội có quá nhiều thông tin được chia sẻ, liệu có phải là điều tốt?
Dự kiến vào năm 2030, dự án thành phố thông minh Sejong trị giá 20 tỷ USD sẽ được hoàn tất với dân số là 800.000 người. Đó sẽ là một thành phố tự duy trì, hoạt động tuần hoàn với các tiện ích được kết nối với nhau và với từng con người.
Thành phố thông minh hiện là một trong những ưu tiên phát triển của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Theo Tổng thống, đây sẽ là xu hướng và có tiềm năng phát triển nhanh nhất trong tương lai, đồng thời là một nền tảng cho sự phát triển theo định hướng đổi mới sáng tạo của quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết quốc gia này đặt mục tiêu xuất khẩu mô hình “thành phố thông minh” sau khi hoàn thành xây dựng thành phố thử nghiệm. Ông Moon Jae-in lựa chọn Busan - đô thị lớn thứ hai Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 450km - làm điểm mẫu, khẳng định sẽ sử dụng tất cả nguồn lực của Chính phủ để hiện thực hóa tham vọng “phát triển đặc biệt” làm cơ sở nhân rộng ra toàn quốc và tiến tới xuất khẩu mô hình ra thế giới.