Ngày 11/10/2019 tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị tổng kết đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Tiểu Dự án: “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu Thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững”. Đây là một trong những Tiểu Dự án do Ban Quản lý Dự án FIRST (Bộ KH&CN) đồng hành tài trợ.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Quản lý Dự án FIRST, ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; TS. Mai Anh Khoa, Đại học Thái Nguyên.
Về phía trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên có GS.TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các Viện, Trung tâm, khoa chuyên môn; ông Nông Xuân Bắc – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và đại diện các nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (IFRAD) - Giám đốc Ban quản lý Tiểu dự án FIRST – IFRAD cho biết: Ở Việt Nam hiện nay nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến dược liệu ngày càng tăng cao, phần lớn các cây dược liệu được trồng rải rác, không tập trung, phân tán nhỏ lẻ và chưa có nhiều nghiên cứu về bảo tồn và phát triển. Thông đất là một loài quý hiếm, được xếp vào sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, trong cây Thông đất có các chất alcaloid như Huperzine A (Hup A), Huperzine B (Hup B), N-methyl-huperzine B, Huperzinine, Lycoporine A, Carina-tumine A...có tác dụng chữa các bệnh Alzheimer, Parkinson, teo não và sa sút trí tuệ. Việc nhân giống thông đất theo phương pháp tự nhiên hiện nay mất thời gian rất lâu và hiệu quả nhân giống thấp vì vậy cần có những phương pháp nhân giống vô tính thông đất tạo ra số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn, không phụ thuộc vào mùa vụ, cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng phát biểu tại Hội nghị
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và những kinh nghiệm trong nghiên cứu nhân giống và sản xuất cây dược liệu quý và cơ sở vật chất sẵn có, IFRAD tiến hành thực hiện Tiểu Dự án. Mục tiêu là nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài cây dược liệu thông đất có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho IFRAD trở thành Viện hàng đầu về ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống dược liệu và có đủ khả năng tự chủ hoàn toàn về năng lực KH&CN, tài chính.
IFRAD đã xác định đúng loài được 10 xuất xứ thông đất thông qua đặc điểm hình thái và ứng dụng chỉ thị Sinh học phân tử, lựa chọn được 03 xuất xứ thông đất có hàm lượng Huperzine A cao nhất, đăng ký được 11 đoạn trình tự gen trên ngân hàng gene quốc tế và đăng kí bản quyền trình tự gen.
Hiện IFRAD đã làm chủ được công nghệ sử dụng các chỉ thị Sinh học phân tử xác định đúng loài thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst.) Trev.) từ các xuất xứ thu thập khác nhau; Phân tích hoạt chất dược liệu để xác định được những xuất xứ có hàm lượng dược liệu cao xây dựng được vườn giống gốc phục vụ cho nhân giống loài cây dược liệu thông đất sinh trưởng và phát triển tốt, sạch bệnh cung cấp nguồn vật liệu cho nhân giống; Bảo hộ được giống thông đất TN- 10; Hoàn thiện được quy trình nhân giống vô tính loài dược liệu thông đất: Nhân giống nuôi cấy mô tế bào (in vitro), nhân giống giâm hom (in vivo) trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững; xây dựng được 02 bộ tiêu chuẩn cơ sở cây giống thông đất có nguồn gốc Nuôi cấy mô tế bào và giâm hom; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ bền vững và hoàn thiện các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học phân tử, hóa sinh, xây dựng được 01 phòng thí nghiệm Sinh học phân tử và Hóa sinh đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm an toàn Sinh học cấp 2.
Cũng theo PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, kết quả của Tiểu Dự án đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN cho cán bộ và kỹ thuật viên, tập huấn được cho người dân về kỹ thuật giâm hom, nuôi trông và chăm sóc loài cây Thông đất.
Toàn cảnh Hội nghị
“Ngoài ra, Tiểu Dự án đã sản xuất thử nghiệm thành công 70.000 cây giống thông đất bằng phương pháp nhân giống vô tính in vitro và giâm hom. Tất cả cây giống đều sinh trưởng phát triển tốt; đạt tiêu chuẩn cây giống cơ sở, không sâu bệnh. Ban quản lý Tiểu Dự án FIRST-IFRAD đã phối hợp cung cấp 50.000 cây giống Thông đất cho doanh nghiệp KH&CN – Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm nghiêp và Môi trường Việt Nam để phối hợp trồng, nghiên cứu sản xuất”, Viện trưởng Trần Thị Thu Hà cho biết thêm.
Chúc mừng thành công ngoài mong đợi của Tiểu Dự án, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua, nhà trường luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và đây là nhiệm vụ song song với hoạt động đào tạo của nhà trường. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cá nhân, tập thể IFRAD, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Ban Quản lý Dự án FIRST cũng như các ban ngành liên quan trong thời gian qua. Tiểu dự án đã bước đầu mang lại những thành công lớn trong việc nghiên cứu, chọn tạo giống cây dược liệu, giúp tạo ra nguồn giống tốt phục vụ sản xuất quy mô công nghiệp.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thế Hùng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Ban Quản lý Dự án FIRST, Sở ban ngành trung ương, địa phương và các đối tác của nhà trường để tiếp tục được nhân rộng, phát triển, thương mại hóa sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ban Quản lý Dự án FIRST, ông Trần Quốc Thắng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của IFRAD trong việc tiếp cận, triển khai Tiểu Dự án, đặc biệt là lựa chọn đối tượng nghiên cứu cùng sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp,… đã góp phần quan trọng trong thành công của Tiểu dự án. Đồng thời bày tỏ mong muốn xem đây sẽ là “cú huých”, bước tạo đà thuận lợi cho IFRAD để tiếp tục phát triển bền vững nguồn dược liệu quý cũng như tạo sự liên kết với doanh nghiệp, nông dân; tăng giá trị dược liệu của sản phẩm Thông đất và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm thời gian tới.