Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu nâng cao khả năng chống ăn mòn cột chống thủy lực bằng công nghệ mạ hợp kim Ni cứng (23/08/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ở Việt Nam, lớp mạ NiP hóa học được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực chống mài mòn và chống ăn mòn như dùng bảo vệ các chi tiết trục máy in, nòng súng, thiết bị gia nhiệt… Trong các hầm lò khai thác khoáng sản, lớp mạ hợp kim này được sử dụng cho các cột chống thủy lực và có thể thay thế cho lớp mạ Cr (VI) độc hại.

Quá trình điện hóa có rất nhiều ưu điểm và ngày càng được nghiên cứu ứng dụng để nâng cao tính năng của lớp mạ. Sử dụng mạ điện có thể tăng tốc độ mạ, kết tinh kim loại nhanh, tạo được tinh thể nhỏ mịn và thu được lớp mạ đồng đều hơn, trong khi tính chất lớp mạ vẫn được giữ nguyên hoặc tốt hơn lớp mạ hóa học.

Để đáp ứng yêu cầu của công nghệ cao, trên thế giới vẫn luôn có các công trình nghiên cứu nâng cao tính năng của lớp mạ hợp kim NiP (B). Các nghiên cứu chế tạo lớp mạ NiP bằng phương pháp điện hóa đã cho thấy lớp mạ nhận được có tính chất cơ, lý, hóa tốt hơn tương đương với lớp mạ NiP hóa học. Tuy nhiên, các nghiên cứu và chế tạo lớp mạ niken cứng bằng phương pháp mạ điện hóa chưa được thực hiện ở Việt Nam. Do vậy, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội do PGS. TS. Hoàng Thị Bích Thủy làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nâng cao khả năng chống ăn mòn cột chống thủy lực bằng công nghệ mạ hợp kim Ni cứng” trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016.

Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật: 

- Đã nghiên cứu thành công quy trình mạ điện để chế tạo lớp mạ hợp kim Ni cứng có độ cứng, độ bền ăn mòn, mài mòn cao.

- Đã áp dụng quy trình công nghệ nghiên cứu để chế tạo thành công lớp mạ tổ hợp hợp kim Ni cứng (Cu/ i/i) làm lớp phủ chống ăn mòn cho 100 sản phẩm cột chống thủ lực (20 cột 2 chiều và 80 cột 1 chiều) tại Công ty Cổ phần Chế tạo má - Vinacomin (VMC). Các sản phẩm được chế tạo có các chỉ tiêu độ cứng, độ bền ăn mòn đạt và vượt yêu cầu.

- Các cột chống sản phẩm đã được đưa vào thử nghiệm thực địa tại môi trường hàm lò các mỏ than - môi trường gây ăn mòn mạnh. Qua theo dõi thực tế cho thấy lớp mạ tổ hợp NiP đã thể hiện khả năng chống ăn mòn, mài mòn vượt trội so với các lớp mạ hiện đang được sử dụng để bảo vệ cho cột chống thủy lực trong các hầm lò khai thác than của Việt Nam hiện nay.

Việc áp dụng công nghệ mạ hợp kim niken cứng cho phép tiết kiệm kinh phí nhập ngoại các thiết bị khai thác mỏ và giúp công ty VMC nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ khai thác than. Ngoài ra, công nghệ này giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm kinh phí sửa chữa chế tạo thiết bị, giảm thiểu gián đoạn sản xuất và đảm bảo an toàn cho lao động trong mỏ, giảm lao động nặng nhọc cho người công nhân mỏ. Để triển khai sản xuất ở quy mô lớn, cần xây dựng mới dây chuyền công nghệ mạ niken cứng được tự động hóa đồng bộ để đảm bảo luôn khống chế được các thông số của quá trình mạ, xử lý tốt khí thải và nước thải để đạt mục tiêu sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3762

Về trang trước Về đầu trang