Tin KHCN trong nước
Công bố hơn 100 nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Việt Nam học (02/08/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hơn 100 nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố tại hội thảo “Những vấn đề giảng dạy Tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/7/2019 tại TP. Hồ Chí Minh. 

Trong số đó có những nghiên cứu như: Nghiên cứu về Việt Nam qua kho sách Nhật Bản hiện lưu trữ tại Hà Nội; Vai trò của các nhà truyền giáo phương tây đối với văn xuôi tự sự Việt Nam; Vai trò của Việt Nam trong cấu trúc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới góc độ thực tiễn lịch sử; Vài nét về tục ngữ mới; Cách tiếp cận hỗn hợp trong nghiên cứu Việt Nam; Cái nhìn của học giả quốc tế về tính lưỡng vị của nữ giới Việt Nam; Triển vọng nghiên cứu Việt Nam học; Các vấn đề lắt léo của Tiếng Việt; Thành tựu nghiên cứu và giới thiệu văn học Việt Nam của các học giả Hàn Quốc; Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt; Văn hóa biển: Một số hướng tiếp cận ở Việt Nam và các vấn đề đặt ra; Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của nhóm từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt;…

Theo PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết - Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, hiện nay Việt Nam học đã và đang trở thành mối quan tâm sâu sắc của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam học được tổ chức thành những đơn vị đào tạo, nghiên cứu riêng. Như tại Trung Quốc, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam được dạy và nghiên cứu ở nhiều trường đại học, viên nghiên cứu lớn, lâu đời ở Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đại học Vân Nam,… Hàn Quốc cũng có những trường đại học, trung học giảng dạy môn Tiếng Việt như Đại học quốc gia Seoul, Ngoại ngữ Busan, Đại học Hannam,… Ngoài ra, các nước như Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch,… cũng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam.

Tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Đại học Thăng Long Hà Nội - nhận định, hai mươi năm qua, ngành Việt Nam học đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển này còn nặng về số lượng với gần 100 trường đào tạo Việt Nam học. Nhưng về mặt chất lượng còn nhiều bất cập. Sự tiếp thu, hiểu biết về phương pháp tiếp cận liên ngành khu vực học ở Việt Nam còn nhiều mới mẻ và hạn chế.

“Muốn trở thành nhà Việt Nam học phải tiếp cận cách nghiên cứu liên ngành của khu vực học, phải đặt đối tượng nghiên cứu của mình trong một không gian lịch sử, văn hóa và không gian phát triển bền vững. Rộng hơn, phải đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, Chấu Á - Thái Bình Dương và thế giới” - theo TS. Lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ; Tình hình giảng dạy tiếng Việt ở các nước trên thế giới; Nghiên cứu Việt Nam học ở trong nước và các nước trên thế giới; Nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam ở Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác; Nghiên cứu Việt Nam từ góc độ liên ngành: lịch sử, xã hội, văn hóa, văn học, nhân học;…

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3755

Về trang trước Về đầu trang