Tin KHCN trong nước
Việt Nam – Tổ chức Năng suất Châu Á: Tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng suất (30/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sẵn sàng giúp Việt Nam thành lập Trung tâm xuất sắc (Center of Excellence –COE) về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất. Tổng Thư ký APO, Tiến sỹ Santhi Kanoktanaporn khẳng định tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại trụ sở Bộ KH&CN chiều ngày 26/7/2019.

Phát triển năng suất dựa trên ĐMST

Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Santhi Kanoktanaporn cho biết: thực hiện đề nghị của Bộ trưởng Bộ KH&CN và nhằm giúp Việt Nam phát triển năng suất một cách toàn diện dựa trên tình hình và nhu cầu thực tế, APO đã xây dựng dự án hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên ĐMST (Vietnam National Productivity Master Plan toward Innovation - driven Development). Dự án được thực hiện từ 6-9 tháng với sự tham gia của Viện Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Institute - KDI)- một trong những viện nghiên cứu phát triển hàng đầu trên thế giới. Kể từ khi thành lập đến nay, APO đã hỗ trợ 04 nền kinh tế thành viên thành lập các COE tại Singapore, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam có thể sẽ trở thành nền kinh tế thứ 05 được APO hỗ trợ thành lập Trung tâm xuất sắc này.

Tiến sỹ Santhi Kanoktanaporn cũng chia sẻ những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp; bày tỏ sáng kiến số hóa (thay vì cơ giới hóa) dựa trên thực tế  tại các trang trại nhằm giúp người nông dân nhất là tầng lớp thanh niên tiếp tục gắn bó, giảm áp lực thiếu hụt lao động tại các vùng nông thôn; áp dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp…

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Tiến sỹ Youngsun Koh, Giám đốc Điều hành, Trung tâm Phát triển quốc tế thuộc Viện KDI, đồng thời cũng là chuyên gia chính tham gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch đã bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên ĐMST. Với gần 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển quốc tế, nghiên cứu, tư vấn chính sách và hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với Chính phủ Việt Nam, việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch sẽ có nhiều thuận lợi và trong thời gian tới KDI sẽ tích cực hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) trong việc nghiên cứu, thu thập thông tin từ các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng kế hoạch theo sát với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây được xem là bản Kế hoạch tổng thể đầu tiên về năng suất hướng đến phát triển dựa trên ĐMST tại Việt Nam, giúp tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả thông qua cải thiện năng suất và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020.

Xây dựng COE về ĐMST

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Tiến sỹ Santhi Kanoktanaporn, Tiến sỹ Youngsun Koh và các thành viên của Đoàn đã dành thời gian cho buổi làm việc, đồng thời đánh giá cao vai trò của APO trong hỗ trợ tăng cường năng suất, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới về năng suất thời gian gần đây.

Bộ trưởng bày tỏ ấn tượng về sự hỗ trợ của APO nói chung và sự chỉ đạo Tiến sỹ Santhi Kanoktanaporn nói riêng đối với Việt Nam về nhiều hoạt động quan trọng trong thời gian gần đây như: xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng tới phát triển dựa trên ĐMST, tăng cường năng lực thông qua các hội thảo, hội nghị, tư vấn, cung cấp chuyên gia,... đối với nhiều lĩnh vực gắn liền với các chính sách, chủ trương phát triển của nhà nước như sản xuất thông minh, đô thị thông minh; truy xuất nguồn gốc; đào tạo chuyên gia đánh giá về Giải thưởng chất lượng quốc gia,… Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, năng suất và ĐMST là hai nội hàm xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2020 – 2030) mà Bộ KH&CN là thành viên tham gia xây dựng.

Ngoài Viện Năng suất Việt Nam, Bộ trưởng cũng đề nghị APO và Viện KDI cùng phối hợp với Học viện KHCN và ĐMST triển khai những nội dung liên quan năng suất và ĐMST, đặc biệt là việc xây dựng COE về ĐMST thúc đẩy năng suất.

Cùng với việc Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch APO năm 2020, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao về sáng kiến thành lập các COE và mong muốn có thêm COE tại Việt Nam nhằm đón nhận những công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cũng như chia sẻ những thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giải pháp khắc phục trong Kế hoạch tổng thể về phát triển năng suất dựa trên ĐMST.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng ghi nhận sự ủng hộ của APO đối với Việt Nam trong việc tham gia Nhóm xây dựng Tầm nhìn, Chiến lược của APO đến 2025 sẽ giúp Tổng cục TĐC, Viện Năng suất Việt Nam, Học Viện KHCN và ĐMST có thêm kinh nghiệm về năng suất, phát triển dựa trên ĐMST trong thời gian tới.

Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế duy nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương về nâng cao năng suất. APO được thành lập vào ngày 11/05/1961 như là một tổ chức liên chính phủ trong khu vực và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực Châu Á Thái Bình Dương thông qua nâng cao năng suất.

03 định hướng chiến lược chính của APO là: 1) Tăng cường năng lực của các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO (National Productivity Organization - NPOs) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng; 2) Xúc tác cho sự dẫn đầu trong đổi mới tăng trưởng năng suất; 3) Thúc đẩy năng suất xanh.

Với lộ trình đến năm 2020 của APO đã được phê duyệt, APO sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu chính: 1) Tăng năng suất của các nền kinh tế thành viên; 2) Tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế thành viên; 3) APO được công nhận là tổ chức quốc tế dẫn đầu trong lĩnh vực năng suất.

Các hoạt động chính của APO là xây dựng năng lực của các tổ chức và phát triển nguồn nhân lực. Tầm nhìn của APO đến năm 2020, trở thành tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nâng cao năng suất, làm cho nền kinh tế APO trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn. APO có 20 nền kinh tế thành viên là: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam. Việt Nam chính thức trở thành thành viên APO từ ngày 01/01/1996 dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tổng cục TĐC được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO với đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.

 

Nguồn: www.most.gov.vn

Số lượt đọc: 2899

Về trang trước Về đầu trang