Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám (25/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Vệ tinh viễn thám đã được phát triển trên thế giới từ những năm 1970 của thế kỷ trước, kể từ khi Mỹ phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên năm 1972 tới nay, vệ tinh viễn thám đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Nhật bản, Ấn độ, Trung Quốc... Các trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám (trạm thu ảnh viễn thám) hàng ngày nhận dữ liệu truyền xuống từ vệ tinh phục vụ giám sát tài nguyên, môi trường, khí hậu, thiên tai…

Trong khu vực ASEAN, các trạm thu ảnh viễn thám thương mại (ảnh SPOT, IKONOS, Quickbird...) đã được xây dựng ở hầu hết các nước như Thái Lan, Malaixia, Singapo, Inđônêxia, Philípin, Việt Nam. Mỗi quốc gia đều có chiến lược phát triển mạng lưới trạm thu phù hợp với điều kiện của từng nước.
Ở Việt Nam, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ". Chiến lược này có ý nghĩa hết sức quan trong thúc đẩy sự phát triển của công nghệ vũ trụ ở Việt Nam nói chung và công nghệ quan trắc trái đất từ vệ tinh nói riêng. Với việc ban hành quyết định này thì Nhà nước đầu tư ngày một nhiều vào công nghệ vũ trụ với việc phóng các vệ tinh viễn thám của Việt Nam đi đôi với các trạm thu ảnh vệ tinh được xây dựng để thu nhận dữ liệu từ các vệ tinh này.
Theo dự kiến hiện tại, các trạm thu ảnh hoạt động tương đối độc lập với nhau, do các cơ quan quản lý khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau, chưa có quy hoạch phát triển chung. Mặt khác, hoạt động của trạm thu ảnh viễn thám là hoạt động đặc thù, chiếm nhiều nguồn tài nguyên (đất đai, tần số…) do vậy công tác quy hoạch các trạm mặt đất nói chung và các trạm thu ảnh vệ tinh nói riêng ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên: đất đai, tần số, dữ liệu viễn thám, nguồn vốn đầu tư.

Chính vì vậy mà Cơ quan chủ trì đề tài Cục Viễn thám quốc gia phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Lê Minh Sơn để thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám” nhằm mục tiêu: Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Giảm thiểu ảnh hưởng nhiễu sóng viễn thông đến hoạt động các trạm thu viễn thám.

Đề tài đã hoàn thành các nội dung theo đề cương đã được phê duyệt, dựa trên các nội dung đã nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã:

- Xây dựng được bộ tiêu chí phục vụ cho quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám. Các tiêu chí được đưa ra dựa trên các cơ sở khoa học về hoạt động thu nhận của trạm thu, các điều kiện ảnh hưởng tới hoạt động của trạm thu, kinh nghiệm tổ chức mạng lưới trạm thu của các nước trong khu vực và các văn bản pháp lý quy định về thu nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia. Bộ tiêu chí được phân theo từng nhóm, mức độ ưu tiên của từng tiêu chí hoặc nhóm tiêu chí tùy thuộc vào mục đích quy hoạch, quản lý, chi phí xây dựng, cơ sở vật chất sẵn có… để các nhà quản lý áp dụng ra quyết định.
- Đưa ra phương án quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám đến năm 2030. Phương án quy hoạch này được xây dựng dựa trên tổng hợp các tiêu chí đã được xây dựng, các trạm thu ảnh nằm trong phương án quy hoạch này dựa trên căn cứ của: kết quả khảo sát hiện trạng các trạm thu ảnh viễn thám đã và đang hoạt động; các đề xuất xây dựng trạm thu ảnh viễn thám trong chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

Thông qua việc thực hiện đề tài cũng đã đánh giá và rút ra được một số kinh nghiệm trong việc triển khai trạm thu ảnh viễn thám, cụ thể như sau:

- Am hiểu về đặc trưng kỹ thuật của hệ thống đặc biệt là của trạm thu ảnh mặt đất.
- Xây dựng và ứng dụng các công cụ kỹ thuật phù hợp nhằm đánh giá các tiêu chí kỹ thuật của trạm mặt đất như: đặc trưng kỹ thuật của trạm, 14 đánh giá nhiễu cao tần có khả năng ảnh hưởng đến vận hành và khai thác hệ thống.

- Lưu trữ đầy đủ và có hệ thống các tài liệu, số liệu vận hành để từ đó có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra những điểm còn tồn tại của hệ thống sẵn có.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13927/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3298

Về trang trước Về đầu trang