Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu một số phương pháp đo đạc trong tương thích điện từ của các hệ thống thông tin nhiều ăng-ten (23/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Với mục tiêu đề xuất phương pháp ước lượng để đo Hệ số hấp thụ riêng (SAR) khi cơ thể con người bị phơi nhiễm bức xạ sóng điện từ phát xạ từ các hệ thống truyền thông tiên tiến với nhiều anten phát, nhóm nghiên cứu tại Học viện Kỹ thuật Quân sự do TS. Lê Đình Thành dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu một số phương pháp đo đạc trong tương thích điện từ của các hệ thống thông tin nhiều ăng-ten” từ năm 2015 đến năm 2017.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày cụ thể qua các bài báo đã được công bố, đặc biệt là bài báo trên tạp chí IEEE Transaction on Antennas and Propagation. Đây là tạp chí có ISI uy tín (Q1) và lớn nhất trong lĩnh vực thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài. Tính mới của nghiên cứu thể hiện ở các nội dung: i) đề xuất kỹ thuật ước lượng nhanh giá trị SAR của các thiết bị thông tin nhiều anten, trong đó ứng dụng cho cả hệ thống đo sử dụng đầu dò vô hướng và đầu dò vector, ii) kiểm chứng bằng thực nghiệm kỹ thuật ước lượng đã đề xuất và phân tích ảnh hưởng sai số giữa giá trị SAR ước lượng và giá trị SAR thực tế.

Giá trị khoa học của nghiên cứu thể hiện ở các nội dung: i) phân tích và đề xuất mô hình toán học tính toán trường điên từ tổng hợp (hoặc giá trị SAR) tại một điểm đo, ii) đề xuất phương pháp ước lượng SAR dựa trên một vài giá trị đo cụ thể, iii) phân tích ảnh hưởng của các vấn đề đo kiểm như ảnh hưởng của tay người dùng đến kết quả đo SAR. Nhờ tính mới và giá trị khoa học của nghiên cứu, vì vậy, một trong những bài báo công bố là kết quả của đề tài này đã được chọn là 1 trong 5 bài báo (trong tổng số hơn 900 bài được chấp nhận tại hội thảo) đề cử cho giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất về đo đạc tại hội nghị Châu Âu lần thứ 9 về anten và truyến sóng, tổ chức tại Bồ Đào Nha năm 2015.

Giá trị thực tiễn và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu thể hiện ở chỗ, trong khi các kỹ thuật đo kiểm SAR trước đây phải yêu cầu rất nhiều lần đo hoặc chỉ đưa ra giá trị SAR gần đúng, phương pháp mới chúng tôi đề xuất trong nghiên cứu này cho phép rút ngắn đáng kể thời gian kiểm tra thiết bị nhờ vào việc chỉ phải thực hiện một vài lần đo, các giá trị SAR khác không cần đo mà chỉ cần ước lượng dựa trên các kết quả đo trước đó. Thực tế, kết quả nghiên cứu của đề tài này đang được chủ nhiệm đề tài và các đồng nghiệp Nhật Bản tại viện NICT đề xuất để đóng góp vào bản cập nhật của chuẩn quốc tế về đo kiểm SAR IEC26609 tại https://webstore.iec.ch/publication/25336. Khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế là rất cụ, vì các chuẩn đo trên là các tiêu chuẩn quốc tế về đo kiểm SAR đối với các thiết bị vô tuyến như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này có thể làm cơ sở quan trọng để phát triển các chuẩn đo đạc tương thích điện từ trường của các thiết bị vô tuyến. Thực tế, theo hiểu biết của nhóm nghiên cứu đề tài, Việt Nam chúng ta chưa có quy định bắt buộc về đo kiểm SAR đối với các thiết bị vô tuyến. Nhóm nghiên cứu đề tài mong muốn sẽ góp phần vào việc xây dựng kỹ thuật đối với chuẩn quốc gia về đo kiểm SAR và tương thích điện từ trường trong tương lai.

Ngoài ra, nhóm đề tài đã mở rộng nghiên cứu trong nội dung đánh giá bức xạ sóng điện từ đối với thực vật (hoa quả, nông sản) trong nông nghiệp. Đây là nội dung mới, ban đầu chưa được đề xuất trong nội dung nghiên cứu của đề tài. 

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2731

Về trang trước Về đầu trang