Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ quản lý, chế độ canh tác lúa cải tiến nhằm tiết kiệm nước, tăng năng suất và giảm thải khí nhà kính (08/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đề ra những mục tiêu và nội dung hết sức cơ bản và thiết thực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn và hướng tới một nền sản xuất sạch.

Để góp phần đạt được tiêu chí này, đề tài “Nghiên cứu công nghệ quản lý, chế độ canh tác lúa cải tiến nhằm tiết kiệm nước, tăng năng suất và giảm thải khí nhà kính” do nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Thủy thực hiện từ năm 2013-2015, là rất cần thiết. Chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Việt Anh.

Đề tài đã thu được các kết quả sau:

1. Đã đề xuất giải pháp công trình tự động điều tiết nước tại mặt ruộng, tiến hành kiểm nghiệm, hiệu chỉnh thông số của các công trình tự động điều tiết và đo nước mặt ruộng tại hiện trường khu thí nghiệm. 
2. Đã nghiên cứu phát triển phần mềm hỗ trợ ra quyết định vận hành hệ thống tưới, mang tên GHGIrrigationModel.r, có 3 chức năng: (i) Lập kế hoạch tưới; (ii) Hỗ trợ vận hành hệ thống theo thời gian thực và (iii) Phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống tưới.

 3. Trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ phân tích không gian trong môi trường GIS, đề tài đã xây dựng mô hình dự đoán và tính toán lượng phát thải khí mê tan trên ruộng lúa. Căn cứ vào các số liệu đo đạc thực tế CH4 để hiệu chỉnh mô hình, từ đó hoàn thiện mô hình. Ứng dụng được thể hiện trên trang web thử nghiệm http://www.CH4management.com.vn

4. Mô hình trên đã được áp dụng để tính toán kiểm kê phát thải khí mê tan tại các công thức thí nghiệm, tính toán được tổng lượng phát thải khí CH4 thực đo và dự đoán cũng như xác định được tổng lượng phát thải CH4 cho cả vụ. 

5. Đã xây dựng khu thực nghiệm ứng dụng mô hình canh tác và quản lý tưới nhằm giảm phát thải KNK cho cây lúa trên diện tích 30 ha. Các công tức thực nghiệm gồm: (i) Đối chứng: theo tập quán canh tác truyền thống và tưới ngập (ĐC-CT1), (ii) Canh tác truyền thống và tưới tiết kiệm nước Nông-Lộ-Phơi (CT2) và (iii) canh tác cải tiến và tưới tiết kiệm nước Nông-Lộ-Phơi - SRI (CT3). Đã tiến hành theo dõi, quan trắc, đo đạc các thông số cần thiết trong 04 vụ sản xuất, gồm: Hè thu 2013, Đông xuân 2014, Hè thu 2014 và Đông xuân 2015

6. Kết quả từ các quan trắc, đo đạc và tính toán từ mô hình cho thấy: công thức Nông-lộ-phơi - SRI (CT3) cho lượng phát thải khí CH4 ít nhất so với hai công thức Nông-lộ-phơi (CT2) và Đối chứng (CT1). Lượng phát thải khí CH4 giảm từ 20,37% - 39,8% so với công thức Đối chứng. Công thức Ngập thường xuyên (ĐC - CT1) là công thức cho lượng phát thải khí CH4 toàn vụ lớn nhất với cùng một điều kiện tưới và nhiệt độ không khí như 2 công thức Nông-lộ-phơi - SRI (CT3) và Nông-lộ-phơi (CT2).

Về mặt lý luận, đề tài làm rõ cơ sở khoa học đề xuất chế độ canh tác lúa cải tiến, cũng như ứng dụng các công nghệ nhằm quản lý chế độ canh tác cải tiến, quản lý kiểm soát phát thải KNK. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được phổ biến, chuyển giao rộng rãi trong khu vực nông thôn Việt Nam với 3,8 triệu ha canh tác lúa nước. Việc đề xuất giải pháp ứng dụng được công nghệ GIS và công cụ hỗ trợ ra quyết định đển quản lý chế độ canh tác lúa và áp dụng rộng rãi một chế độ canh tác lúa khoa học nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất (giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm nước, tăng độ phì của đất) đồng thời bảo vệ môi trường do giảm phát thải khí nhà kính có ý nghĩa rất cấp thiết.

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4382

Về trang trước Về đầu trang