Tin KHCN nước ngoài
Mỹ bào chế loại keo dính mới mô phỏng nhớt của ốc sên (04/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Lấy cảm hứng từ chất nhầy của ốc sên, các nhà khoa học Mỹ đã bào chế được một chất keo dán vừa bền vừa có thể bóc tách được khỏi vật thể đã kết dính trong một số điều kiện nhất định.

Theo Proceedings of the National Academy of Science, giáo sư Shu Yang ở khoa Khoa học vật liệu Đại học Pennsylvania, Mỹ và các đồng nghiệp của ông, lấy chất nhầy của ốc sên làm mẫu, đã tạo ra được một chất keo vừa bền vừa có thể bóc tách được khỏi vật thể đã kết dính trong một số điều kiện nhất định. Nhiều loại chất kết dính có thể bóc tách đã được biết đến trước đây, nhưng đều kém hơn đáng kể về độ bền liên kết.

 

Theo giáo sư Shu Yang, chất nhầy của ốc sên có tất cả các đặc tính cần thiết khi ốc di chuyển, nó rất nhớt và sau khi khô nó trở nên rất dính. Trong tự nhiên, tính chất này của keo ốc sên được sử dụng để đối phó với các điều kiện bất lợi. Vào những thời điểm như vậy, ốc sên tiết ra rất nhiều chất nhầy, trong khi đông cứng tạo thành một nắp (epiphuctor), đóng lối vào vỏ ốc và cứu ốc khỏi mất độ ẩm. Sau khi sống qua mùa đông hoặc hạn hán, ốc sên bù nước cho nắp, nó mềm ra và ốc sên có thể tiếp tục cuộc sống năng động.

 

Keo mới được tạo ra từ hydrogel - mạng polymer chứa một lượng lớn nước. Ở trạng thái ẩm ướt, hydrogel thấm vào và xâm nhập vào các vết nứt nhỏ nhất và bất thường trên bề mặt. Khi khô, nó trở nên bền vô cùng. Khi nước được thêm vào một lần nữa, độ bám dính giữa các vật thể lại biến mất.

 

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng keo có thể được bôi lên cánh bướm, sau đó gỡ tách lại ra mà không làm hỏng cấu trúc bề mặt mỏng manh của cánh. Trong một thử nghiệm khác để kiểm nghiệm độ kết dính của hợp chất, miếng dán hai hình vuông có kích thước của một con tem bưu chính giữ được trọng lượng của một sinh viên tình nguyện 87 kg.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3771

Về trang trước Về đầu trang