Tin KHCN trong nước
Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực đo đạc và bản đồ (03/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Nhờ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ điều tra cơ bản, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao dân trí.

Đo đạc và bản đồ (ÐÐ và BÐ) là ngành khoa học và kỹ thuật, có liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, công nghệ ÐÐ và BÐ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Trước đây, công nghệ truyền thống dựa trên các phương pháp đo góc, đo cạnh, xử lý ảnh chụp mặt đất bằng mô hình quang học, thì nay được thay thế dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin. Nhờ vậy, công nghệ ÐÐ và BÐ có tầm hoạt động rộng, chính xác, kịp thời hơn; giảm đáng kể về chi phí, thời gian thi công, không phụ thuộc yếu tố ngoại cảnh và chủ quan của con người.

TS Trần Trọng Bình (Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Kể từ khi được thành lập cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác ÐÐ và BÐ và viễn thám nói chung và phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực ÐÐ và BÐ nói riêng nhằm nâng cao chất lượng công tác đo đạc, điều tra cơ bản; ứng dụng ÐÐ và BÐ trong quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường. Ðiển hình như trong lĩnh vực đo đạc, điều tra cơ bản, các công nghệ mới được triển khai với quy mô lớn, cụ thể như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính; ứng dụng công nghệ LiDAR xây dựng mô hình số cao độ (DEM) độ chính xác cao khu vực ven biển Việt Nam phục vụ việc xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ðáng chú ý, từ năm 2009 đã vận hành và khai thác tốt Trạm viễn thám thuộc Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Trạm đã thu nhận được hàng trăm nghìn bức ảnh SPOT của Cộng hòa Pháp, ENVISAT của châu Âu và VNREDSat-1A của Việt Nam. Dữ liệu thu nhận từ trạm được ứng dụng, phục vụ đắc lực công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở nước ta. Một số ứng dụng lớn của dữ liệu ảnh thu nhận tại trạm thu nhận ảnh viễn thám có thể kể đến, như hiệu chỉnh bản đồ địa hình các tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000; kiểm kê đất đai các thời kỳ 2010 và 2015; giám sát quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; giám sát theo dõi hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước ngoài biên giới phía thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Công; giám sát tài nguyên môi trường biển và hải đảo; điều tra đánh giá tài nguyên rừng; giám sát lũ lụt hàng năm…

Các nghiên cứu đã góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về kỹ thuật, xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật trong ÐÐ và BÐ; Quy chuẩn quốc gia về địa danh phục vụ công tác lập bản đồ; xây dựng Quy định kỹ thuật đối với công tác đo đạc và thành lập bản đồ, nghiên cứu đổi mới các chỉ tiêu đánh giá độ chính xác mặt phẳng, độ cao; quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế về đo đạc trọng lực… Qua đó, góp phần nâng cao công tác quản lý ÐÐ và BÐ ở nước ta.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học trong ÐÐ và BÐ chưa thật sự đồng đều, còn thiếu cả số lượng và yếu về chất lượng, nhất là các cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ về ÐÐ và BÐ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành cũng như yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai các nghiên cứu quy mô lớn, có sự phối hợp nhiều tổ chức trong ngành ít được thực hiện…

Theo các chuyên gia, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ÐÐ và BÐ, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đo đạc, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong đo đạc, xử lý số liệu, quản lý cơ sở dữ liệu. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và định mức kinh tế trong ÐÐ và BÐ. Ðẩy mạnh nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong lưu trữ và xử lý khối lượng dữ liệu lớn không gian địa lý thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau theo thời gian thực phục vụ lập bản đồ 3D, 4D… Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho nghiên cứu trong ÐÐ và BÐ; hình thành các nhóm nghiên cứu trình độ cao trong một số hướng nghiên cứu phức tạp và mang tính định hướng công nghệ cho ngành. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, cộng đồng trong việc phát triển các dịch vụ liên quan đến dữ liệu không gian địa lý, tạo ra sản phẩm đa dạng phục vụ xã hội…

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2878

Về trang trước Về đầu trang