Tin KHCN nước ngoài
Nông dân Ấn Độ dùng… năng lượng Mặt trời để tưới cây (19/06/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hàng triệu người ở Ấn Độ sống bằng nghề nông nhưng tình trạng hạn hán nghiêm trọng những năm gần đây đã khiến họ phải chật vật tìm nước tưới cho cây trồng.

Dưới cái nóng thiêu đốt 40 độc C của mùa hè ở Ấn Độ, nước mưa bốc hơi nhanh chóng. Người nông dân phải dùng bơm dầu diesel ô nhiễm và đắt đỏ để tiếp cận được nguồn nước ngầm.

 

Công ty Khethworks đang nỗ lực khắc phục vấn nạn này bằng cách khai thác một trong các nguyên nhân dẫn đến hạn hán: ánh nắng Mặt trời gay gắt, sẵn có hầu như quanh năm. 

 

Chú thích ảnh
Người nông dân Ấn Độ tưới nước cho cây trồng. Ảnh: medium.com

 

Hãng CNN đưa tin Khethworks đã phát triển một hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng Mặt trời cho phép người nông dân tưới nước cho cây trồng mà không phải lệ thuộc vào những cơn mưa theo mùa hay nhiên liệu đắt đỏ. 

 

“Năng lượng Mặt trời rất thích hợp với tưới tiêu bởi vì vào những ngày nắng nhất, cây trồng cần nhiều nước nhất, bạn cũng sẽ lấy được nhiều nước nhất, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Khethworks Kaite Taylor chia sẻ. 

 

Mùa mưa ở Ấn Độ chỉ kéo dài 4 tháng. Phần thời gian còn lại trong năm, nông dân buộc phải tìm những cách khác để cấp nước cho mùa màng. Họ thường sử dụng bơm dầu diesel với chi phí hoạt động lên tới 150 USD (khoảng 3,3 triệu đồng) cho mỗi mùa trồng trọt. Đây là mức chi phí lớn đối với đất nước nơi thu nhập bình quân đầu người hàng năm chưa đến 2.000 USD (khoảng 46 triệu đồng). Rất nhiều người sử dụng hệ thống Khethworks thậm chí còn chưa kiếm đủ số tiền trên. 

 

Bà Taylor nói: “Họ đơn thuần không đủ tiền mua nhiên liệu để chạy máy bơm trong mùa hè khi thời tiết vô cùng nắng nóng. Nhưng vấn đề đây cũng là mùa giá nông sản cao nhất”. 

 

Khethworks là một dự án do Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) khởi xướng và được đăng ký thành công ty ở thành phố Pune, Mumbai, Ấn Độ năm 2016. Đây chính là thời cơ vàng cho ngành kinh doanh năng lượng Mặt trời tại đất nước Nam Á này. Ở nhiều khu vực của Ấn Độ, Mặt trời tỏa sáng đến 300 ngày trong năm. Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi điều hành đang thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo này phát triển. 

 

Hiện nay, sản lượng điện Mặt trời của Ấn Độ đã tăng ấn tượng từ chưa đầy 4 gigawatt năm 2015 lên gần 30 gigawatt – chiếm gần 8% tổng công suất tiêu thụ điện. Chính phủ đang đặt mục tiêu đạt 100 gigawatt điện Mặt trời vào năm 2022. 

 

Chú thích ảnh
Hệ thống bơm chạy bằng năng lượng Mặt trời Khethworks. Ảnh: Khethworks

 

Trong khi hệ thống Khethworks không phải là một phương án rẻ, cần đến 540 USD để xây dựng và kích hoạt, bà Taylor cho biết về lâu dài nó vẫn tiết kiệm hơn so với việc mua dầu diesel để chạy bơm. Công ty cũng đang làm việc với các đối tác tài chính để giảm thiểu chi phí. Loại máy bơm nhỏ gọn, dễ dịch chuyển này có thể cung cấp cho người nông dân một nguồn thu nhập khác nếu họ không dùng chúng. Họ có thể dùng bơm trong xây dựng hoặc cho thuê. 

 

Không chỉ thiếu nước tưới tiêu, khoảng 600 triệu người dân Ấn Độ đang bị thiếu nước sinh hoạt. Các nguồn nước ngầm tại Ấn Độ đã gần hết. Đây là vấn đề lớn nhất của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Hàng thập kỷ đào giếng khoan sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nước theo cách truyền thống đồng nghĩa với việc Ấn Độ đang cạn kiệt nước ngầm.

 

Khi Ấn Độ chuyển mình theo hướng đô thị hóa nhiều hơn và thêm hàng triệu người chuyển đến thành phố sinh sống, nhu cầu sử dụng nước càng gia tăng. Các thành phố bắt đầu tìm kiếm nguồn nước ở xa hơn, bơm về dùng thông qua đường ống dài hàng trăm km.

 

100 triệu người, bao gồm các cư dân thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad, sẽ sớm sống trong những thành phố không có nước ngầm. Tình trạng này còn bị tác động bởi yếu tố thay đổi khí hậu, khiến nguồn cung nước càng bị hạn chế. Mưa gió mùa thất thường hơn, trong khi hạn hán thường xuyên hơn, đe dọa mùa màng của nông dân. Mùa đông ngắn đi, trong khi mùa hè dài hơn và nóng hơn đang làm tan băng trên dãy Himalaya, nơi đổ vào những con sông ở miền Bắc Ấn Độ.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 2116

Về trang trước Về đầu trang