Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Triết lý xây dựng Chính phủ kiến tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh (13/06/2019)
-   +   A-   A+   In  
Trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những triết lý về xây dựng Chính phủ có giá trị nền tảng tư tưởng cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo ở nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu và quán triệt triết lý xây dựng Chính phủ kiến tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam.

  1. Chuyển từ chính phủ cai trị sang chính phủ phục vụ nhân dân

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hổ Chí Minh đã chỉ ra rằng một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc ta bắt đầu. Bởi chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm; đã đánh đổ nền thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lập nên một chính thể dân chủ cộng hòa. Các chính phủ cai trị, đè đầu cưỡi cổ nhân dân của Pháp, Nhật đã bị đánh đổ. Nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một chính phủ phục vụ nhân dân. Người khẳng định: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”1.

Người chủ trương xây dựng nhà nước Việt Nam là nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân và khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2. Mọi quyền hành nhà nước đều thuộc về nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân tổ chức ra quyền lực nhà nước từ xã đến Trung ương là đặc điểm quan trọng đầu tiên của một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Nhà nước kiểu mới sinh ra để phục vụ nhân dân, chứ không phải nhân dân phục vụ nhà nước. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước kiểu mới không phải là các ông chủ có quyền lực cai trị dân chúng. Cho nên, ngày nay xây dựng chính phủ kiến tạo, phục vụ, tức là chính phủ vừa phải quản lý, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, vừa phải hướng tới sáng tạo, phát triển và đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội.

Nói chính phủ kiến tạo chính là nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội thông qua xây dựng thể chế và cung cấp các dịch vụ phát triển theo yêu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần đề ra những chính sách, sử dụng các công cụ kinh tế và có sự điều hành phù hợp với cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triết lý về xây dựng một chính phủ phục vụ nhân dân thể hiện rõ ràng, đầy đủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”3.

Triết lý về chính phủ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được coi là tư tưởng định hướng việc xây dựng chính phủ kiến tạo ở nước ta hiện nay.

2. Chính phủ định hướng và tập trung nguồn lực cho phát triển

Nhà nước kiến tạo phát triển phải tạo ra được cơ chế, chính sách khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được đầu tư cho mục tiêu phát triển. Chức năng kiến tạo ấy của chính phủ là sự kế thừa, phát triển từ triết lý Hồ Chí Minh: Tất cả phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập từ ngày 13/3 đến ngày 21/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất. Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay... Tất cả phục vụ sản xuất. Tất cả chúng ta, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào, đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển... Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình".

Những năm 70 của thế kỷ XX đã chứng kiến làn sóng cải cách, chuyển đổi từ chính phủ quản lý truyền thống sang “chính phủ kiến tạo phát triển” hoặc “chính phủ doanh nghiệp” phù hợp với xu thế toàn cầu hóa được các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Ca-na-đa... đề xướng và thực hiện. Nhưng trước đó hơn 20 năm, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 01/01/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất triết lý chính phủ doanh nghiệp: “Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi. Cái gì ra, cái gì vào, việc gì phải làm ngay, việc gì chờ, hoãn, hay bỏ, món gì đáng tiêu, người nào đáng dùng: tất cả mọi thứ đều phải tính toán cẩn thận”4. Triết lý này có vai trò định hướng trong hoạch định chính sách kinh tế và điều hành hoạt động của chính quyền các cấp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

Theo triết lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương Chính phủ cần tạo môi trường cho doanh nghiệp và người dân khởi nghiệp để công tư đều lợi, kinh tế quốc gia phát triển mạnh. Trong cuốn “Thường thức chính trị” xuất bản năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân”5.

Trong các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sớm thấy rõ nhất vai trò của các doanh nhân và kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là Chủ tịch nước, ngày 13/10/1945, Người gửi thư cho các giới công thương Việt Nam khẳng định Chính phủ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh và người dân làm ăn thuận lợi trong công cuộc ích nước, lợi dân: "Giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”6.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay cần phải xây dựng một chính phủ kiến tạo thân thiện với xã hội, với người dân, thị trường và doanh nghiệp, lấy sự ấm no, hạnh phúc của người dân, sự thành công của các doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước làm phương châm hành dộng của mình. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.

3. Chính phủ liêm chính, hành động có hiệu quả

Xác định đúng bản chất, mục đích hoạt động của Chính phủ theo hướng vì lợi ích của người dân, của quốc gia dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chú trọng việc xây dựng, tổ chức hoạt động của Chính phủ có hiệu quả và thể hiện đúng bản chất tốt đẹp của Chính phủ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, tại phiên họp ngày 31/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”7.

Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng công tác tuyển chọn, giáo dục cán bộ có đủ tài đức, trong đó đạo đức là gốc, cán bộ nhà nước phải là những người công tâm, trung thành, có năng lực làm việc và có uy tín, chứ không chấp nhận việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ vì tiền tài, lợi ích nhóm hay vi những lý do không chính đáng khác. Người khẳng định: “Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”8.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ những khó khăn thực tế trong việc xây dựng một chính phủ liêm khiết, hành động có hiệu quả. Đó là: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư9. Cho nên, Người chỉ ra phương hướng tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ, tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, công tác thanh tra của Chính phủ, tăng cường việc thi hành kỷ luật Đảng và kỷ luật của Nhà nước một cách nghiêm minh; đồng thời đề cao vai trò của nhân dân trong việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu để góp phần xây dựng thành công một chính phủ liêm khiết hành động. Người chỉ rõ: “Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hoá ra liêm. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”10.

4. Chính phủ biết cách làm cho người dân trở nên thực sự có quyền lực. Mở rộng dân chủ, bảo đảm người dân được tham gia hoạch định chính sách, pháp luật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Một Chính phủ kiến tạo thì trong mọi chủ trương, chính sách và hoạt động nhất định phải theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”11. Bởi vì “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải thể chế hóa, có hành lang pháp lý bảo đảm cho người dân thực sự có quyền tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nội dung tổ chức nhà nước trong Hiến pháp phải đảm bảo: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc nhà nước”12.

Hiện nay, để xây dựng chính phủ kiến tạo thì trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền các cấp là phải thực sự khuyến khích người dân tham gia vào quản lý công việc của Nhà nước, tham gia vào việc hoạch định chính sách, pháp luật, đặc biệt là khuyến khích người dân sáng tạo, tự do sản xuất, tự do kinh doanh, tự do sở hữu tài sản vì lợi ích cá nhân và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ nhà nước từ trung ương đến địa phương phải chống bệnh quan liêu, phải biết học hỏi, bàn bạc, giải thích cho nhân dân trong việc hoạch định cũng như thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng. Người khẳng định: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”13.

Để Chính phủ thực sự liêm khiết, hành động, tôn trọng quyền làm chủ và sáng tạo của người dân, thì một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước là: “Mỗi công dân, mỗi cơ quan cần phải kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, và nâng cao cảnh giác đề phòng địch phá hoại. Các cơ quan phụ trách cần phải nghiêm khắc ngăn ngừa tham ô, lãng phí và kịp thời thi hành kỷ luật đốl với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi”14.

Phải khuyến khích, bảo vệ người dân trong việc tích cực chống các căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy nhà nước. Những căn bệnh đó không được chữa trị đến nơi đến chốn, thì không thể xây dựng được Chính phủ liêm khiết, hành động, hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”15.

Một trong những biện pháp quan trọng chống các bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, để xây dựng thành công chính phủ kiến tạo là phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”16.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí./.

PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng
 Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước
Đức Lâm (st)

Nguồn: bqllang.gov.vn

Số lượt đọc: 647

Về trang trước Về đầu trang