Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Niềm tin Hồ Chí Minh (15/06/2019)
-   +   A-   A+   In  
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng những điều Người nói, Người viết, Người làm; đặc biệt là bản Di chúc thiêng liêng Người để lại cho chúng ta vẫn mãi là một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của một lãnh tụ rất đời thường và rất vĩ đại, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của lãnh tụ Hồ Chí Minh và đặc biệt đọc bản Di chúc thiêng liêng của Người, tôi muốn đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mọi hoàn cảnh, trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đó là NIỀM TIN, bởi không có niềm tin thì dù việc nhỏ, trong điều kiện rất thuận lợi đôi khi vẫn không có kết quả tốt. Có niềm tin thì dù khó khăn gian khổ đến đâu, sự nghiệp cách mạng cũng thành công.

Vì sao niềm tin Hồ Chí Minh, dù trong hoàn cảnh nào cũng thành hiện thực? Có thể lý giải đơn giản: Người là một thiên tài! Câu chuyện thú vị của nhà quân sự Phùng Thế Tài về việc Bác khẳng định đế quốc Mỹ chỉ chịu thua khi chúng thua trên bầu trời Hà Nội, cũng có thể giải thích, đó là tầm nhìn xa trông rộng, là sự tiên đoán của bậc thiên tài! Tuy nhiên điều đó còn có cơ sở vững chắc bởi các yếu tố: Chân lý thời đại - truyền thống dân tộc - sức mạnh nhân dân; đặc biệt là niềm tin của Người vào sức mạnh đoàn kết toàn dân. Nguyễn Trãi từng khẳng định: Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước. Hồ Chí Minh khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Với nền tảng vững chắc của niềm tin như vậy, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thử thách cam go đến đâu, Bác vẫn tin rằng nhân dân là người chiến thắng, cách mạng cuối cùng sẽ thắng lợi vì có sức mạnh vô địch của nhân dân. Còn nhớ, ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã đề nghị tiến hành tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Nhiều người lúc bấy giờ lo lắng bởi dân ta tốt, nhưng chưa quen, chưa đủ nhận thức để có thể làm chủ lá phiếu bầu của mình trong một thể chế dân chủ vừa mới được hình thành. Thêm nữa là thù trong, giặc ngoài đang gia tăng sức ép mọi mặt đối với nhà nước công nông non trẻ. Có thể nói trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh và sự sáng suốt của nhân dân. Nhiều tổ chức đã đề nghị Bác không cần ứng cử, Bác là đại biểu suốt đời của cách mạng, nhưng Bác đã ứng cử tại Hà Nội cùng hơn 70 ứng viên khác để chọn 6 đại biểu. Bác tin vào nhân dân, và niềm tin ấy hoàn toàn đúng đắn. Bác đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam ngày 06-01-1946 đã bầu ra Quốc hội, với các đại biểu được nhân dân bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, khẳng định sức mạnh của Nhà nước dân chủ, cộng hòa - Nhà nước đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Niềm tin Hồ Chí Minh vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng còn nhiều ví dụ sinh động, nhưng tựu trung, cái gốc của niềm tin ấy là tin vào nhân dân, tin vào truyền thống của dân tộc và chân lý thời đại. Thế nhưng tin vào những con người cụ thể, trong các trường hợp cụ thể thì thật là kỳ diệu và mang bản sắc riêng của một nhân cách lớn! Đó là, giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, như con thuyền trước phong ba bão táp, Bác lại phải sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trước khi sang Pháp, Bác giao toàn quyền cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn thể hiện niềm tin tuyệt đối: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cần nhấn mạnh, cụ Huỳnh khi còn là Chủ bút Báo Tiếng Dân, thì tờ báo này không tin tưởng nhiều vào cách thức tranh đấu của những người Việt Minh. Tuy nhiên, Bác chính là niềm tin để cụ Huỳnh hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Sau này, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận động và đưa được rất nhiều nhân sĩ, trí thức, thậm chí cả những người được coi là “ở phía bên kia” về với cách mạng và đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng. Điều gì đã làm họ tin vào Bác, sẵn sàng từ bỏ giàu sang, phú quý, chấp nhận gian khổ, hy sinh để theo Bác đi làm cách mạng? Có lẽ chính một nhân cách lớn và niềm tin của Bác với mọi người đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ để họ tin và đi theo Bác, theo cách mạng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Và điều đó hình thành một cách tự nhiên niềm tin Hồ Chí Minh - niềm tin tất thắng!

Nhiều người Việt Nam đến giờ vẫn nhớ và luôn thấy vang vọng lời kêu gọi bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-7-1966 trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới, trong lời kêu gọi, chúng ta vẫn thấy niềm tin Hồ Chí Minh - niềm tin của cả dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Niềm tin của Người và toàn dân tộc Việt Nam có cơ sở chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cùng với khẳng định thắng lợi của cách mạng, của cuộc đấu tranh chính nghĩa là tất yếu, Người cũng chỉ rõ sự nghiệp lớn mà Đảng và nhân dân ta phải tiến hành sau ngày toàn thắng: “Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Niềm tin của Người vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhiều lần được Người tiếp tục khẳng định: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” (Xuân 1968),  “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” (Xuân 1969). Và trong Di chúc trước lúc đi xa, Bác vẫn tin tưởng chắc chắn rằng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Niềm tin đó gần 6 năm sau, ngày 30-4-1975 đã thành sự thật, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối.

Niềm tin và điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biến thành hiện thực; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đồng thời Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Nguồn: bqllang.gov.vn

Số lượt đọc: 750

Về trang trước Về đầu trang