Tin KHCN trong nước
Làm chủ công nghệ chế tạo bột thạch anh từ nguồn nguyên liệu trong nước (10/06/2019)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm hợp tác Hương Trà đã làm chủ công nghệ chế tạo bột thạch anh từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch anh trong nước bao gồm các quy trình công nghệ sản xuất thử nghiệm, sản xuất thô và sản phẩm tinh; Sản xuất thử nghiệm sản phẩm lô số 0:6.000 tấn sản phẩm/6 dòng modun bột thạch anh đạt tiêu chuẩn ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, gốm sứ,…

Đó là những kết quả chính của tiểu dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm thạch anh dạng tinh thể chất lượng tối ưu dùng cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới,… từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam”. Tiểu dự án do Nhóm hợp tác Hương Trà (gồm 5 thành viên: Công ty CP Hương Trà (thành viên đứng đầu Nhóm); Viện Nghiên cứu Ứng dụng Nha Trang; Trường Đại học Nha Trang; Công ty CP Á Châu; Công ty TNHH Tự động hóa MENT) triển khai với sự đầu tư của Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” (Dự án FIRST). 

Ngày 04/6/2019, tại Bắc Kạn, đoàn giám sát, đánh giá kiểm tra của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Ban Quản lý Dự án FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã làm việc với Nhóm hợp tác Hương Trà.

 Tham dự đoàn công tác về phía WB có ông Dilip Parajuli - Trưởng nhóm phụ trách Dự án FIRST và một số chuyên gia cao cấp. Về phía Dự án FIRST, có ông Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám sát và đánh giá; ông Phạm Văn Diễn - Cán bộ phụ trách Tiểu hợp phần 2b (Thúc đẩy liên kết đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học) và một số cán bộ của Dự án. Về phía Nhóm hợp tác Hương Trà, ông Hồ Viết Cầm - Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Trà, Thành viên đứng đầu Nhóm hợp tác tiếp và làm việc với đoàn công tác. 

Ông Hồ Viết Cầm - Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Trà cho biết, dự án được triển khai từ tháng 6/2017, đến nay đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Nhóm hợp tác đã làm chủ công nghệ chế tạo bột thạch anh từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch anh trong nước bao gồm các quy trình công nghệ sản xuất thử nghiệm, sản xuất thô và sản phẩm tinh. Đồng thời, thiết kế và cải tiến, chế tạo được hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm bột thạch anh có hàm lượng SiO2 lớn hơn hoặc bằng 99.25% với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn/năm; thiết kế hệ thống cảnh báo và giám sát online các chỉ số môi trường (bụi, nước); Sản xuất thử nghiệm sản phẩm lô số 0:6.000 tấn sản phẩm/6 dòng modun bột thạch anh đạt tiêu chuẩn ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu, gạch men, gốm sứ, đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh cao cấp, vật liệu trang trí nội ngoại thất.

 Ông Phạm Văn Diễn - Cán bộ phụ trách Tiểu hợp phần 2b cho biết, với sự đầu tư của Bộ KH&CN và WB, hiện Nhóm hợp tác đã xây dựng được 2 nhà máy sản xuất các vật liệu từ đá thạch anh - một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vật liệu xây dựng và trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Nhóm hợp tác đã thành công trong việc thay vì sử dụng hóa chất và các công nghệ khác, Nhóm đã sử dụng công nghệ vi sinh để làm sạch các chất bám trên tinh thể thạch anh, và đưa ra được 6 loại sản phẩm, đạt được các chỉ tiêu về công nghệ tương đương như quặng nhập khẩu của các nước trên thế giới.

Đánh giá cao kết quả của Nhóm hợp tác, ông Trần Quốc Thắng - Trưởng Ban Giám sát và đánh giá cho rằng, phần lớn các gói thầu được triển khai theo đúng quy trình và tiến độ đã cam kết. Thành công bước đầu của tiểu Dự án đã khẳng định năng lực tổ chức, thực hiện, làm chủ các quy trình công nghệ, góp phần quan trọng trong việc tạo ra các nguyên liệu có chất lượng tương đương và thay thế nguyên liệu nhập khẩu. 

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 2086

Về trang trước Về đầu trang