Tin KHCN trong nước
Thương mại hóa thành công nano curcumin công nghệ hướng đích (06/06/2019)
-   +   A-   A+   In  

Tại hội thảo Báo cáo tính an toàn và hiệu quả vượt trội của công nghệ hướng đích ứng dụng trong viêm loét dạ dày, trào ngược do Trung tâm chuyển giao tri thức & hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) tổ chức ngày 31/5, các nhà khoa học đã giới thiệu sản phẩm nano curcumin hướng đích đầu tiên ở Việt Nam.

Đây là kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Hữu Lý (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và các cộng sự ở Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme & Protein (KLEPT), Khoa Y dược (ĐHQGHN) – những đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá về dược tính, sinh khả dụng và độc tính của sản phẩm này và công ty dược Elepharma.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, đây là một mô hình hợp tác tốt, không chỉ kết nối được các nhà nghiên cứu ở nhiều đơn vị trường, viện mà còn thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp nhằm tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và hữu dụng cho sức khỏe. Ông khẳng định, “mô hình này cần được khuyến khích để góp phần thúc đẩy sự đồng hành của doanh nghiệp với các nhà khoa học”.

 

Bắt đầu từ năm 2014, PGS.TS. Phạm Hữu Lý và cộng sự áp dụng công nghệ hướng đích trong nano curcumin, tìm cách gắn kết chất dẫn đường axit folic với nano curcumin để nano curcumin tập trung vào các tế bào bị viêm. “Công nghệ hướng đích đưa curcumin tập trung tấn công tế bào viêm gấp 70 lần so với nano curcumin thông thường”, TS. Lê Thị Thu Hường, trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và phát triển thuốc mới VSL, Khoa Y Dược (ĐHQGHN) cho biết.

 

Trước những ý kiến lo ngại về việc sử dụng axit folic làm chất dẫn đường có thể gây dư thừa trong cơ thể và ảnh hưởng tới sức khỏe, TS. Hường khẳng định khi tiến hành thử nghiệm không hề phát hiện thấy hàm lượng axit folic trong máu sau khi sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, kết quả đánh giá độc tính cấp của cũng cho thấy sản phẩm không hề gây độc và tổn thương các bộ phận mặc dù được sử dụng ở liều rất cao.

 

Sau khi hoàn thiện vào cuối năm 2018, công nghệ nano curcumin hướng đích đã được Trung tâm chuyển giao tri thức & hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) hỗ trợ chuyển giao độc quyền cho công ty dược Elepharma và thương mại hóa dưới dạng viên sủi. Đây cũng là bước cải tiến của nhóm nghiên cứu, “đặc tính có thể chuyển hóa nhanh chóng từ dạng viên rắn sang dạng nước giúp sản phẩm dễ bảo quản và dễ dàng phát huy tác dụng”, TS. Hường cho biết.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4250

Về trang trước Về đầu trang