Tin KHCN trong nước
Nông dân sáng chế cột cảnh báo lũ có pháo hiệu (05/06/2019)
-   +   A-   A+   In  
Có ba loại cột khi lũ về hoặc đường bị ngập nước sẽ có đèn, còi và pháo hiệu để cảnh báo cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Thành (60 tuổi ở Bắc Giang) là tác giả của sáng chế cột cảnh báo lũ bằng pháo hiệu. Giải pháp ông Thành đưa ra với mong muốn khắc phục những hạn chế từ các thiết bị cảnh báo lũ đang có là sử dụng sóng vô tuyến, qua tin nhắn SMS hay bằng camera.

Các giải pháp đã có đòi hỏi có nhiều hệ thống kèm theo như thiết bị thu, thiết bị phát sóng vô tuyến thông tin như các thiết bị bộ đàm trên biển, hệ thống loa... nên chi phí kinh tế cao, không kịp thời. Có nhiều khi thông tin thông báo không chính xác do mưa cục bộ, ngập cục bộ ở thượng nguồn nhưng chưa chắc xảy ra lũ ở phía hạ lưu... Vì vậy giải pháp ông Thành đưa ra được cho là tiện lợi hơn vì tùy từng vị trí sẽ có cảnh báo khác nhau. Mỗi cột có giá chỉ vài triệu đồng.

Cột cảnh báo thử nghiệm lắp tại đoạn đường thường xảy ra ngập nước. Ảnh: TĐ.

Cột cảnh báo thử nghiệm lắp tại đoạn đường thường xảy ra ngập nước. Ảnh: TĐ.

Tác giả đã thiết kế loại cột có mạch điện gắn trên cột (nguồn điện là pin năng lượng mặt trời) và lắp các thiết bị cảnh báo. Trên các cột cảnh báo lắp thêm bộ lưu trữ thông tin, cứ một thời gian nhất định sẽ phát ra cảnh báo tình trạng, thông số nước tại vị trí chôn cột. Người quan tâm và nhà quản lý có thể tra cứu trên máy tính, điện thoại thông minh để theo dõi tình trạng ngập nước.

Cột được làm bằng kim loại hoặc phi kim loại, trên có hộp kỹ thuật để lắp các thiết bị (ắc quy nguồn và hệ thống nạp ắc quy, pin mặt trời, còi, ống đựng pháo hiệu, dây dẫn, bộ lưu trữ thông tin). Chân cột được đổ bê tông, mốc nước ngập được lấy so với mặt đất tại vị trí chôn cột làm chuẩn để thông báo mức nước ngập.

 Loại thứ nhất để cảnh báo mức độ nguy hiểm cao như lũ ống, lũ quét, vỡ đê, sóng thần... sẽ chỉ lắp cảnh báo chính bằng tín hiệu pháo hiệu. Tức là khi nước ngập đến một vị trí xác định pháo hiệu sẽ bắn lên cao bằng âm thanh và ánh sáng giúp cho bà con biết tại vị trí chôn cột và xung quanh nước đang dâng cao. Nước dâng cao đến đâu pháo hiệu bắn đến đó. Các cột cần chôn theo hệ thống dọc tuyến đường thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra lũ.  Tín hiệu pháo hiệu bắn càng cao thì phạm vi cảnh báo càng xa, có thể đến hàng chục hoặc vài chục km tính từ vị trí pháo hiệu được bắn lên bởi tác động của nước ngập. 

Loại cột thứ hai dùng để cảnh báo mực nước cụ thể cho các ngầm tràn, đoạn đường ngập nước. Khi nước ngập chân cột đến đâu bảng hiển thị sẽ báo độ sâu nước ngập đến đó, giúp người tham gia giao thông biết được mức độ nguy hiểm qua các đoạn đường, ngầm tràn ngập. Loại cột này thích hợp lắp cho các tỉnh, thành phố hay bị ngập nước do triều cường, mưa lũ.

Loại cột thứ ba được thiết kế kết hợp hai loại trên, có cả đèn và pháo hiệu. Các đèn trên cột được thiết kế như đèn tín hiệu giao thông với các màu xanh, đỏ, vàng, còi ủ, loa giúp nhiều người nhận biết dễ dàng hơn.

Cột cảnh báo làm việc dựa trên nguyên lý, khi nước ngập, nước dâng chạm đến các thanh cách điện có gắn các cặp tiếp điểm, sẽ khép kín mạch điện cho các thiết bị cảnh báo các mức khác nhau. Tùy mức nước ngập, nước dâng sẽ phát ra những cảnh báo khác nhau.

Khi nước rút hệ thống cảnh báo cũng báo độ sâu nước ngập theo chiều ngược lại cho đến khi nước rút hẳn, chân cột không có nước thì hệ thống ngừng báo. Ắc quy vẫn luôn được pin mặt trời nạp điện, trời tối đèn soi sáng đường tự động bật và ban ngày tự động tắt, cột lúc này đóng vai trò là cột đèn đường.

Ông Nguyễn Đức Thành (thứ ba từ trái qua) nhận giải Cuộc thi Sáng chế 2018 ngày 25/4.

Ông Nguyễn Đức Thành (thứ ba từ trái qua) nhận giải Cuộc thi Sáng chế 2018 ngày 25/4.

Giải pháp mới đây đã được trao giải khuyến khích Cuộc thi Sáng chế 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 1911

Về trang trước Về đầu trang