Theo DeNa, Drive Chart bao gồm một hệ thống camera và cảm biến kèm theo dịch vụ đám mây với giá ban đầu là 50.000 yen (khoảng 10 triệu đồng), cộng với phí dịch vụ hàng tháng khoảng vài nghìn yen.
Hệ thống camera và cảm biến sẽ có nhiệm vụ tập hợp dữ liệu về vị trí xe, tốc độ xe, khoảng cách giữa các xe, làn xe hay ánh mắt của người lái xe, sau đó truyền thông tin này qua dịch vụ đám mây để hệ thống AI và IoT phân tích.
Hình ảnh và thông tin vị trí khi người lái xe có những hành vi lái nguy hiểm như tăng tốc đột ngột, phanh gấp hay đánh lái đột ngột sẽ được hiển thị trên xe nhằm giúp người lái xe điều chỉnh hành vi của bản thân.
Trong khi đó, các nhà quản lý giao thông cũng nhanh chóng nắm bắt được thông tin về hành vi lái xe, từ đó có thể trao đổi hay hỗ trợ người lái xe vận hành xe an toàn. Trong thời gian tới, DeNa dự định sẽ trang bị tính năng cảnh báo va chạm và chống buồn ngủ cho lái xe.
Dịch vụ Drive Chart đã được thử nghiệm trên 1.000 xe taxi và 500 xe tải từ tháng 4-10/2018 và mang lại hiệu quả rõ rệt khi số vụ tai nạn liên quan đến taxi và xe tải lần lượt giảm 25% và 48% so với trung bình cùng kỳ của 5 năm trước đó. Chi phí sửa xe do các vụ tai nạn gây ra cũng giảm từ 40-90%.
Trước mắt, dịch vụ Drive Chart sẽ hướng tới các hãng kinh doanh dịch vụ vận tải taxi và xe tải, sau đó sẽ dần mở rộng tới người tiêu dùng thông thường.
Theo Sách Trắng về an toàn giao thông do Chính phủ Nhật Bản mới ban hành, số vụ tai nạn giao thông ở nước này trong năm 2017 là khoảng 472.000 vụ, trong đó các xe dịch vụ gây ra trên 32.000 vụ. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho thấy số vụ tai nạn giao thông đang có xu hướng giảm dần nhờ vào việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ lái.