Đoàn Việt Nam do ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm trưởng đoàn. Đoàn Liên bang Nga do ông Medvedev Aleksei Mikhailovich, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, Chủ tịch Phân ban Liên bang Nga làm trưởng đoàn.
Tham dự Khóa họp, về phía Việt Nam ngoài đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ còn có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan nghiên cứu và trường đại học; về phía Liên bang Nga gồm có đại diện Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.
Tại Khóa họp, hai Bên đã trao đổi thông tin về tình hình, tiềm năng và kế hoạch phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của Liên bang Nga và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về các chính sách và kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện, mô hình tăng trưởng từng bước dịch chuyển sang chiều sâu, với tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam ước tính đạt 2.587 USD. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam luôn xác định KH&CN có vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian vừa qua, cơ chế chính sách về KH&CN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để dần từng bước đưa KH&CN gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho KH&CN được quan tâm hơn thông qua việc thành lập các Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm và Khu nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương.
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hỗ trợ thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và các Chương trình KH&CN quốc gia. Chính phủ có chính sách dành ưu tiên cho khoa học và giáo dục, theo đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN ở mức 0,44% GDP. Số lượng doanh nghiệp trích lập quỹ KH&CN ngày càng gia tăng. Số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp được cải thiện. Cùng với đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã bước đầu được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phong trào khởi nghiệp sáng tạo cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã thông tin về Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2018 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, theo đó, Việt Nam tăng hai bậc so với năm 2017, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam trong giai đoạn vừa qua ngày càng quan tâm nhiều hơn tới hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Số lượng các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế không ngừng gia tăng. Tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố; thị trường KH&CN bước đầu có những chuyển dịch mạnh theo hướng gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Ông Medvedev Aleksei Mikhailovich, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, Chủ tịch Phân ban Liên bang Nga cho biết, hợp tác khoa học, công nghệ và giáo dục giữa Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua phát triển tích cực và toàn diện. Triển khai các hoạt động trong Năm chéo Việt - Nga (2019-2020), một trong các hoạt động quan trọng là Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang nhằm tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga và Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mà Liên bang Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, công nghệ thông tin…
“Liên bang Nga phấn đấu năm 2024 lọt vào Top 5 về bằng sáng chế và Top 10 nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Mục đích chiến lược nghiên cứu có 3 nguyên tắc chính là: hội nhập khoa học, giáo dục, công nghệ và điều phối các thành viên quan tâm để thực hiện các nguyên tắc này; hiện đại hóa quản lý khoa học, giáo dục; sự tham gia rộng rãi các lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và giáo dục. Chiến lược phát triển KH&CN Liên bang Nga xác định các mục tiêu, vấn đề và những ưu tiên. Một trong các ưu tiên là hợp tác giữa các doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục và khoa học. Các tổ hợp khoa học, giáo dục được thực hiện bởi các bộ, ban, ngành liên quan. Đối tượng ưu tiên về khoa học tại Liên bang Nga là các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp lớn, cơ quan hành pháp và các tập đoàn. Công cụ phát triển nhanh KH&CN là Chương trình, Dự án KH&CN cấp quốc gia”, ông Medvedev Aleksei Mikhailovich cho hay.
Ông Medvedev Aleksei Mikhailovich cũng chia sẻ về thách thức đối với Liên bang Nga hiện nay là thu hút giới trẻ tài năng vào khoa học. Liên bang Nga luôn muốn tạo điều kiện không những cho các nhà khoa học Việt Nam mà cả các nhà khoa học quốc tế, thông qua hỗ trợ các dự án nghiên cứu và tạo ra các phòng thí nghiệm mới. Đặc biệt là dự án hỗ trợ học bổng, hướng tới nghiên cứu, đảm bảo việc làm cho người nghiên cứu. Một trong những ưu tiên cốt lõi trong phát triển công nghệ là hợp tác quốc tế, trước tiên là với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, hai Bên đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình hợp tác giữa hai nước về KH&CN thông qua Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, và đánh giá cao nền tảng cơ sở nghiên cứu của Liên hợp viện nghiên cứu hạt nhân tại thành phố Dubna là tiền đề cho việc phát triển quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật trong thời kỳ mới và mở ra các cơ hội phát triển giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, hai Bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và đạt kết quả nghiên cứu cao của các cơ quan nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội của Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Hai Bên đánh giá cao các kết quả nghiên cứu chung đạt được thông qua kênh Nghị định thư về cùng tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu chung Việt - Nga thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2018. Hai Bên nhất trí tiếp tục kêu gọi các nhiệm vụ nghiên cứu chung đưa vào xem xét thực hiện từ năm 2020, mở rộng các nội dung và tăng số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu.
Hai Bên đều ghi nhận nỗ lực của hai nước trong việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học. Phía Việt Nam đánh giá cao việc phía Nga hằng năm tăng số lượng học bổng đại học và sau đại học tại Nga cho công dân Việt Nam theo diện Hiệp định. Năm học 2019 - 2020 phía Nga dành cho Việt Nam 965 chỉ tiêu học bổng và phía Việt Nam đang triển khai tuyển sinh. Hai bên xác nhận lộ trình tăng chỉ tiêu học bổng của phía Liên bang Nga cho sinh viên Việt Nam sẽ đạt đến 1.000 chỉ tiêu đến năm 2020. Tại Khóa họp này, hai Bên nhất trí phát huy những thành tựu đã đạt được trong giáo dục thời gian qua và thảo luận, thống nhất phối hợp phát triển việc dạy tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Liên bang Nga, thúc đẩy hoạt động của Phân viện tiếng Nga Pushkin tại Hà Nội.
Kết thúc Khóa họp, hai Bên đã ký kết Biên bản Khóa họp lần thứ II Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga để làm cơ sở pháp lý triển khai mạnh mẽ tiến trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ trong thời gian tới, đồng thời nhất trí tiến hành Khóa họp lần thứ III của Ủy ban tại Liên bang Nga vào năm 2021.