Tin KHCN trong nước
Găp gỡ nhà khoa học có nhiều công bố quốc tế lĩnh vực Cơ học (18/05/2019)
-   +   A-   A+   In  
Với niềm đam mê nghiên cứu nghiên khoa học từ nhỏ, đến nay PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã có hơn 100 công bố quốc tế trong lĩnh vực Cơ học. Ông cũng là một trong ba nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 là giải thưởng nhằm vinh danh những nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, có những công trình nghiên cứu xứng tầm thế giới. Dự kiến lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức vào Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam (18/5).

Bền bỉ nghiên cứu khoa học suốt nhiều năm qua, PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã hoàn thành và xuất bản công trình “Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems” đăng trên tạp chí International Journal of Mechanical Sciences - một tạp chí quốc tế có uy tín trên thế giới. Công trình nghiên cứu về cơ học cấu trúc, cơ học và ứng dụng của vật liệu tiên tiến, cơ học dòng chảy, nhiệt động lực học và phân tích quá trình biến đổi của vật liệu.

Với công trình này, PGS.TSKH Phạm Đức Chính đã nêu bật được nhiều giả thiết quan trọng trong lĩnh vực Cơ học. Các giả thiết đã góp phần lý giải và xử lý được cội nguồn của một số mâu thuẫn xảy ra khi áp dụng tính toán thích nghi-hỏng dẻo cho vật thể đàn dẻo tái bền trong một số bài toán cụ thể. Đồng thời, các giả thiết cũng đã mở cánh cửa cho sự phát triển các phương pháp số thích hợp để giải quyết các vấn đề ứng dụng với các lớp kết cấu-vật liệu chịu lực cụ thể.

PGS.TSKH Phạm Đức Chính chia sẻ về công trình được xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Ảnh: Bích Liên

Nói về công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019, PGS.TSKH Phạm Đức Chính nhớ lại về thời kỳ làm khoa học đầu tiên, viết những bài báo đầu tiên, đó là thời điểm 2 năm cuối ông học ở Liên Xô (1980-1981, Đại học Belarus-Minsk). Khi ấy còn là sinh viên, ông đã có nhiều bài báo đăng tập san khoa học, viết chung cùng thầy hướng dẫn của mình về dao động và ổn định của các kết cấu mỏng.

Đến khi về Việt Nam, vấn đề khó khăn ông gặp phải là rất thiếu thông tin phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình. Cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, ông lại tranh thủ đến cơ quan mượn máy chữ của phòng kế toán, tài vụ để viết những bài báo quốc tế.

PGS.TSKH Phạm Đức Chính cho biết, vì muốn dành trọn thời gian cho nghiên cứu khoa học nên đã có thời điểm ông không dám nhận chức vụ trưởng phòng khi được Viện Cơ học đề bạt. Mãi đến khi quy trình xét duyệt và cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ theo chuẩn quốc tế được thông qua thì ông mới tập hợp cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện, chọn ra những đề tài nghiêm túc, lập ra một phòng chuyên môn để tất cả cùng làm và chỉ làm trưởng phòng trong 5 năm cuối trước khi hết tuổi quản lý.

Trong lĩnh vực Cơ học, chuyên nghiên cứu các vấn đề về “Thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực”, ông đã được mời viết các chương, bài cho 2 Bộ sách “Bách khoa thư về mài mòn, ma sát, và bôi trơn” (Springer-New York, 2013), và “Bách khoa thư về Cơ học môi trường liên tục” (Springer-Berlin, Heidelberg, sẽ được xuất bản thời gian tới).

Chia sẻ về Giải thưởng Tạ Quang Bửu, PGS.TSKH Phạm Đức Chính mong muốn Giải thưởng khuyến khích được mọi ngành nghiên cứu hướng tới trình độ cao mang tầm quốc tế.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014. Giải thưởng nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế... Năm 2019 là năm đầu tiên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đề xuất trao tặng nhà khoa học nữ và các nhà khoa học trong các lĩnh vực Y sinh Dược học và Cơ học.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4601

Về trang trước Về đầu trang