Chiều 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho 3 nhà khoa học có những công trình nghiên cứu xuất sắc. Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành, cơ quan của Quốc hội cùng các nhà khoa học, đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ…
Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 đã tiếp nhận 45 hồ sơ đăng ký tham gia. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 9 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn trao 3 giải thưởng chính cho lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn của PGS.TSKH. Phạm Đức Chính làm việc tại Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; công trình nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano của TS. Lê Trọng Lư, Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; nghiên cứu xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010 của PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
TS. Lê Trọng Lư chia sẻ tâm tư của các nhà khoa học khi nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, cũng như vẫn còn những tranh luận giữa việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản hay dành nguồn lực cho nghiên cứu triển khai ứng dụng. Tuy nhiên, là một nhà khoa học, TS. Lê Trọng Lư cho rằng việc lựa chọn giữa một trong hai hướng nghiên cứu không quá quan trọng, mà điều quan trọng là sự đam mê và theo đuổi đến cùng hướng nghiên cứu đã lựa chọn.
“Để đạt được mục tiêu KHCN phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh đòi hỏi một chiến lược phát triển dài hơi cùng nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học”, TS. Lê Trọng Lư bày tỏ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết trong thời gian qua, ngành KHCN Việt Nam luôn nỗ lực để đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này được thể hiện qua các số liệu cụ thể, ví dụ như Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia); chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% giai đoạn 2010-2020.
Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ xã hội chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng, đến nay đã vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ giữa nhà nước và DN từ mức 7:3 ở đầu thập kỷ này chuyển thành 5,2:4,8. Các DN, tập đoàn lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho khoa học và công nghệ. DN vừa và nhỏ đã có sự quan tâm bước đầu và đầu tư cho KHCN. DN KHCN tăng trưởng ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế. DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tiếp cận, cạnh tranh được với các startup quốc tế.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thông tin thêm, ngày 17/5, Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải đã vượt qua các đối thủ từ hơn 40 quốc gia giành quán quân Startup World Cup 2019 tổ chức tại Mỹ với giải thưởng 1 triệu USD. Đây là start up “thuần Việt” đã được Bộ KHCN hỗ trợ, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp thông qua Dự án Đổi mới sáng tạo với Phần Lan (IPP2) và đã được thử thách tại các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest).
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận ngành KHCN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, các địa phương đến hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách dành cho KHCN thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là Bộ KHCN cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KHCN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ KHCN cam kết quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Huy động đội ngũ cán bộ KHCN, tập trung nghiên cứu, sáng tạo vì các mục tiêu, định hướng lớn, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, trong đó có đội ngũ startup, doanh nghiệp KHCN trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình hội nhập trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp mới.
* Nhân dịp này Bộ KHCN cũng trao Giải thưởng Báo chí về KHCN 2018 cho các tác phẩm báo chí xuất sắc.
Được tổ chức từ năm 2012, Giải thưởng Báo chí KHCN nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của KHCN trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này. Ngoài ra, Giải thưởng còn tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về KHCN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KHCN trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Từ gần 700 tác phẩm/nhóm tác phẩm dự thi Giải thưởng báo chí KHCN 2018, Ban Giám khảo đã quyết định trao 4 Giải nhất, 4 Giải nhì, 4 Giải ba và 6 Giải Khuyến khích ấn tượng cho các tác phẩm xuất sắc.
Các tác phẩm/nhóm tác phẩm đã phản ánh đầy đủ, sâu sắc hoạt động của ngành KHCN, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu đưa KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đặc biệt là giải những bài toán cấp bách đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội.
Nhiều tác phẩm đã tạo được hiệu ứng truyền thông tốt về một số chủ đề thời sự như: Gắn nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, phát triển thị trường KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các nút thắt đẩy nhanh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, góp phần kết nối nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với sản xuất và đời sống.